Quá nửa xe lặng đi. Sự chung thủy, nếu đúng thật, của loài voi khiến cho cả đoàn khách du lịch choáng váng. Tôi kịp nhìn thấy nét ngậm ngùi trên khuôn mặt những người già, vẻ bối rối thẹn thò trên khuôn mặt những người trẻ. Hoài nghi quá, nhưng cũng đáng kính nể loài voi. Có lẽ, bởi vậy mà lông đuôi voi mới quý, Tỏa nói và chìa ra chiếc nhẫn bạc được đánh rất khéo, có một sợi lông đen đen cứng cứng luồn quanh vòng tròn mềm mại của chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn này nếu làm kỷ niệm sẽ là biểu tượng cho sự chung thủy, sức khỏe và tình yêu.
Mọi người truyền tay nhau chiếc nhẫn. Không ai bảo ai nhưng trong mỗi người đều thầm một quyết tâm phải có một chiếc lông đuôi voi mang về. Tôi sờ sợi lông vừa cứng vừa đen ấy, lòng thoáng phân vân. Mình năm nay 56 tuổi rồi, có cần cái biểu tượng vừa khỏe vừa chung tình này nữa không? Hay là cứ cố kiếm một cái lông mang về cho các con?
Xe ô tô chạy 100km, hết hơn 3 giờ, từ khách sạn Sài Gòn Ban Mê tới Bản Đôn. Khách du lịch xuống xe, loạng choạng vì nắng vì gió, vì ngồi ô tô quá lâu. Ôi, Tây Nguyên huyền thoại đây rồi. Một cô gái chợt hát lên lanh lảnh: Có cái nắng… có cái gió… có nỗi nhớ…
Lời hát của nhạc sỹ Nguyễn Cường làm tôi xốn xang. Tôi hít căng lồng ngực không khí cao nguyên trong lành và phóng tầm mắt đến tận cuối chân trời. Chân trời cao nguyên rộng rãi phóng khoáng biết bao!
Tỏa dẫn chúng tôi đi qua cầu treo. Gần 30 người cùng đi qua cầu một lần. Cầu treo chòng chành đu đưa như muốn đùa nghịch du khách. Đu đưa thôi nhưng không đứt. Vậy mà có những em bé sợ quá không dám đi, phải ngồi thụp xuống. Những người đứng tuổi làm vẻ từng trải mỉm cười động viên em, nhưng mặt cũng hơi tai tái. Quen rồi thì thật là thú vị. Gió lồng lộng mát rượi. Thung lũng sâu hút xanh thẳm dưới chân. Và chập chùng ngang tầm mắt là những ngọn núi thâm u rừng đại ngàn.
Sau bữa ăn trưa tươm tất và nghỉ một lát ở nhà sàn, chúng tôi đi vào Bản Đôn, mục đích chính của chuyến du ngoạn hôm nay: Xem voi, cưỡi voi, và không ít tâm nguyện của nhiều người: mua lông đuôi voi. “Đôn”, theo tiếng địa phương là đảo. Vậy bản Đôn nghĩa là làng đảo. Không biết tại sao lại có tên như thế, vì trên thực tế thì không thấy địa hình đảo ở nơi này. Tỏa dẫn chúng tôi đi theo con đường đất rộng có nhiều hàng quán hai bên như khi ta tới chùa Hương. Rất đông người tấp nập đi vào đi ra. Không khí hồ hởi phấn khởi thật đúng là đi du lịch. Chợt tiếng chào mời rộ lên tứ phía:
- Mua lông đuôi voi anh chị ơi.
- Lông đuôi voi xịn đây anh ơi.
- Nhẫn lông đuôi voi kỷ niệm đây em ơi…
Chúng tôi ngạc nhiên quá. Tưởng mua biểu tượng linh thiêng ấy khó khăn lắm, ai ngờ lại dễ dàng như mua bông ngoáy tai ở vỉa hè Hà Nội. Cô gái đi bên cạnh tôi ngỡ ngàng hỏi:
- Chú ơi, cả bản Đôn có 8 con voi mà sao nhiều lông đuôi voi thế hả chú?
Tỏa vội kéo chúng tôi đi, nhanh nhanh kẻo hết giờ cưỡi voi.
Một chuyến voi chở người 15 phút giá 150 ngàn đồng. Số tiền này khách phải tự trả chứ không nằm trong tiền tour. Chúng tôi xông vào mua vé rồi được hướng dẫn ra chỗ đợi.
Voi kia rồi. Những chú voi bản Đôn nổi tiếng. Tôi thấy thấp thoáng từng chú voi đi tới cầu đón khách. Nom chúng rời rạc và chậm kinh khủng. Người đông nghẹt trên cầu. Chúng tôi chen lên. Những con voi miễn cưỡng đón khách trèo lên chiếc ngai buộc trên lưng. Hai ba người trèo lên một con voi. Có vẻ chúng mệt và chán nản lắm. Con nào con nấy mắt đỏ đùng đục sũng nước. Quản tượng thúc chân vài cái, con voi mới uể oải nhấc chân bước đi. Một người nói:
- Nó mệt quá, đi suốt từ sáng đến giờ chưa được nghỉ.
Những người khác nhao vào phụ hoạ:
- Nhìn tập vé dày cộp trên tay ông phụ trách thì biết.
- Chở người từ sáng đến tối, khỏe như voi cũng ốm.
Cô gái cùng đoàn chợt kéo tay tôi thảng thốt:
- Chú ơi, nhìn đuôi nó kìa.
Quả thật lúc này mọi người mới thấy những con voi không còn sợi lông đuôi nào. Những cái đuôi chỉ là một bó gân màu sẫm, rũ xuống bất động giữa hai chân. Chúng không ve vẩy đuổi ruồi muỗi mà rủ xuống thõng thượt như chiếc săm xe đạp non hơi.
Tôi thoáng chút bàng hoàng nhìn theo những chiếc đuôi kỳ dị đang chở du khách. Không ai nói ra nhưng sự hào hứng trong lòng mỗi người đều như bị dội một gáo nước lạnh.
Rồi cũng đến lượt chúng tôi lên voi. Người phụ trách ghé sát mặt tôi hỏi nhỏ:
- Có mua lông đuôi voi không?
- Không, tôi không có nhu cầu - Tôi lắc đầu, hỏi lại - Có đúng lông đuôi voi thật không?
Anh ta liếc nhìn tôi vẻ khinh miệt lộ rõ:
- Đã mua tận đây lại còn hỏi thật với không thật. Hàng xịn. Vừa nhổ đấy. Cái cô này, có lên voi không mà đứng ỳ ra đấy.
Cô gái cùng đoàn bị anh ta gắt, mặt tái đi run run khẽ lắc đầu. Tôi nắm tay cô:
- Thôi, đã đến đây rồi thì lên đi.
Chúng tôi cùng lên một con voi. Bành voi nghiêng ngả theo bước chân voi đi, cũng thấy hồi hộp và thú vị. Con voi đi theo lối mòn khoảng 20 thước, vòng lại qua khe nước rồi trở về cầu, khoảng hơn 10 phút. Du khách chụp ảnh cho nhau, và ở dưới đất, người thợ ảnh theo dõi, thấy ai vẫy tay ra hiệu thì chụp ảnh cho người đó. Từ trên độ cao lưng voi, lại thấy cao nguyên hiện ra mênh mông nhuốm đỏ sắc hoàng hôn.
Kết thúc chuyến cưỡi voi, đoàn du lịch chúng tôi tụ lại bên xe, bàn tán sôi nổi. Mọi người hỏi nhau, thì ra không có ai mua lông đuôi voi cả. Sự đồng lòng không bảo mà nên này khiến cho không khí vui hẳn lên và xua đi cảm giác ghê sợ khi nhìn những chiếc đuôi voi trần trụi. Có người nói to phấn chấn: đấy, không có người mua thì họ nhổ lông đuôi voi bán cho ai? Tất cả ồ lên hưởng ứng.
Tỏa đưa xe đến, vui vẻ hỏi: các anh chị đã mua được lông đuôi voi hết chưa ạ? Ai chưa mua được thì trên đường về sẽ ghé qua cửa hàng mỹ nghệ, ở đấy cũng bán. Có sợi lông còn dính cả da voi nữa cơ ạ. Tỏa chợt im bặt lúng túng khi thấy phản ứng khó chịu của mọi người. Một người nói to: chả lông lá gì đâu, cho chúng tôi về khách sạn thôi.
Trời đã nhập nhoạng tối. Mọi người đi ra xe, cô gái hay hát lại hát lên lanh lảnh: Ôi cao nguyên cao nguyên... em thương anh thương anh... chờ anh...
Tản văn của Phạm Thanh Phong
(Tạp chí Du lịch)