Sơn La - điểm đến hấp dẫn, ấn tượng
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Hoàng Ngân Hoàn cho biết, với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Bắc, nơi có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn to lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Những năm qua, Sơn La đã bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch, như: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa, nhiều khu, điểm du lịch dần trở nên nổi tiếng, đã tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La, như: Cầu kính Bạch Long (cây cầu có đường đi bộ bằng kính dài nhất thế giới), chợ đêm Mộc Châu, khu du lịch tâm linh và du lịch lòng hồ Quỳnh Nhai, điểm du lịch Ngọc Chiến (Mường La), điểm du lịch Pha Đin Top (Thuận Châu), sống lưng khủng long, săn mây Tà Xùa (Bắc Yên)... Đặc biệt, năm 2022, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La được bình chọn và vinh danh là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Khách du lịch đến Sơn La không ngừng tăng, năm 2022, khách du lịch đến Sơn La ước đạt 3,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt gần 3.000 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2023 lượng khách du lịch đến Sơn La ước đạt hơn 2 triệu lượt, tổng doanh thu ước hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo bà Hoàn, thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng; hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất đang được quan tâm đầu tư; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Sơn La được đẩy mạnh, liên kết khai thác phát triển các tour du lịch, tuyến du lịch được quan tâm; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch… “Trước yêu cầu đòi hỏi phát triển du lịch Sơn La trong những năm tới, với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch”, bà Hoàn nhấn mạnh.
Cần những giải pháp đồng bộ
Tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, các nhà quản lý phát biểu đã khẳng định, thời gian qua, du lịch Sơn La đã phát triển, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, trong đó có danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” năm 2022. Việc phấn đấu đạt được danh hiệu này rất quan trọng nhưng việc giữ được danh hiệu và biến danh hiệu thành thương hiệu cũng quan trọng không kém.
Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp du lịch tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong phát triển du lịch cũng như việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, chuyên nghiệp, hình thành các sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam. Đồng thời, các ý kiến cũng tập trung bàn các giải pháp và định hướng liên kết, phát huy điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới; giới thiệu, quảng bá thương hiệu Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày càng lan toả trong nước và quốc tế.
Đề cập đến tiến độ đẩy nhanh việc hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt để công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vào năm 2025 và phát triển theo hướng bền vững, ông Dương Đình Hiền - Trung tâm nghiên cứu phát triển du lịch Việt đã nêu lên các nhóm giải pháp lâu dài và nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế phát triển Khu du lịch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Khu du lịch theo quy hoạch. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật. Đẩy mạnh, mở rộng phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường liên kết, hợp tác; tích cực bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Trao đổi nội dung trong chương trình tọa đàm tại Hội nghị, các diễn giả cùng với các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra nhiều tiềm năng, lợi thế và cả những hạn chế cần khắc phục, các giải pháp cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch Mộc Châu nói riêng, Sơn La nói chung trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đề xuất, trước hết, địa phương cần đẩy mạnh liên kết ở nội bộ điểm đến, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch với các hộ dân có sự đồng bộ hơn, tạo bức tranh du lịch Mộc Châu đa sắc, rõ nét. Cần đẩy mạnh kiên kết giữa các nhà du lịch ở các địa phương khác cũng như liên kết quốc tế để khai thác tốt nhất các tiềm năng sẵn có của Sơn La. Bên cạnh đó, du lịch Sơn La nên tăng cường ứng dụng công nghệ để thúc đẩy du lịch địa phương, nhất là tạo hiệu quả hơn trong điều hành điểm đến. Du lịch Sơn La cần đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường và phải có kết hoạch chi tiết, xác thực, có sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý điểm đến ở địa phương.
Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng Mộc Châu Lê Văn Hưu và Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và du lịch thiên đường Á Châu, Phó Ban Sản phẩm Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - bà Vũ Giang Biên cho rằng, Mộc Châu – Sơn La có nhiều lợi thế, có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về chất và lượng để du khách đến địa phương.
Hoạt động quảng bá truyền thông phải tương đương với chất lượng phục vụ để tránh tình trạng khách đến một lần vì tò mò rồi không trở lại nữa. Bên cạnh đó, việc đầu tư sản phẩm nên tập trung khai khác những yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc, xác định rõ xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách du lịch mà địa phương mong muốn hướng đến.
Tuấn Sơn