Liên kết hàng không - du lịch vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới
Khó khăn, thách thức và cơ hội đến từ COVID-19
Khó khăn, thách thức
Đại dịch COVID-19 đang càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới và được ví như cuộc Đại suy thoái lần hai, gây ra nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tất cả các các ngành nghề đều không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của COVID-19, bao gồm các lĩnh vực cung cầu trong tiêu dùng, lao động, xuất nhập khẩu, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải, đầu tư… Trong đó, hai lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội là du lịch và hàng không.
Theo đó, COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn hàng loạt các kế hoạch du lịch, nghỉ dưỡng và hoạt động đi lại do Chính phủ các nước ban hành quy định về hạn chế di chuyển cả trong nước lẫn nước ngoài, thậm chí đóng cửa biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt trong những giai đoạn được xem là cao điểm của ngành du lịch. Điều này khiến các quốc gia nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, vận tải, dịch vụ nói riêng thiệt hại hàng tỷ USD và hàng triệu người trong ngành dịch vụ bị mất việc làm.
Đối với hàng không - ngành có vai trò là cầu nối thông thương, duy trì và phát triển kinh tế, mức độ thiệt hại cũng rất nặng nề. Trước đại dịch, ngành hàng không thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo chung của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), Tổ chức Dịch vụ Điều hướng Hàng không Dân dụng (CANSO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ (ICCAIA), ở thời điểm năm 2019, ngành hàng không hỗ trợ đến 65,5 triệu việc làm trên toàn cầu, trong đó có 10,2 triệu việc làm trực tiếp và 55,3 triệu việc làm gián tiếp.
Cho đến năm 2020, COVID-19 đã khiến ngành hàng không lâm vào khủng hoảng chưa từng có kể từ sau Thế chiến II theo đánh giá của IATA. IATA đã đưa ra thống kê, khách luân chuyển trên toàn thế giới năm 2020 giảm 66% so với cùng kỳ, cùng với đó là số lỗ kỷ lục của ngành hàng không lên tới 126,4 tỷ USD. Tháng 10 vừa qua, IATA cập nhật m���c mức lỗ dự kiến của các hãng hàng không trên thế giới sẽ đạt 51,8 tỷ USD (tăng lỗ thêm khoảng 4 tỷ USD so mức dự báo đưa ra vào vào tháng 4/2021).
Đây là hệ quả đến từ việc các hãng hàng không phải cắt giảm hoạt động cốt lõi là vận tải hành khách do dịch bệnh, song song đó vẫn phải tiếp tục chi trả các khoản phí cố định rất lớn như phí bảo dưỡng máy bay, phí sân đỗ, nhân sự… cùng các khoản vay khổng lồ từ việc thuê, mua máy bay trước đó.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều hãng hàng không đã tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động vĩnh viễn, trong đó có những tên tuổi lớn như Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hong Kong), Philippines Airlines (Philppines),…
Tại Việt Nam, tuy là một trong những quốc gia được đánh giá cao về khả năng và hiệu quả trong việc kiểm soát dịch COVID-19, song ngành du lịch và hàng không vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề và lâu dài do hậu quả của dịch bệnh.
Từ tháng 3/2020 đến nay, các đường bay quốc tế vẫn gần như bị tê liệt, ngoại trừ số lượng ít các chuyến bay chở hàng hóa, đưa đồng bào hồi hương. Năm 2021, tình hình tiếp tục tồi tệ hơn khi các đợt bùng phát dịch trong dịp cao điểm Tết và hè khiến doanh thu ngành hàng không tiếp tục giảm mạnh. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành hàng không có thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 – 65,9%, doanh thu của các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn khiến các hãng hàng không chưa thể khôi phục hoàn toàn hoạt động vận tải hành khách nội địa. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines chỉ vận chuyển khoảng 5,5 triệu lượt khách, tương đương 30% năm 2019; ghế luân chuyển đạt khoảng 17% so với năm 2019.
Ngoài các tác động tiêu cực trực tiếp về mặt tài chính và dòng tiền, Vietnam Airlines nói riêng và các hãng hàng không nói chung phải đối mặt với không ít vấn đề liên quan đến chiến lược sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó một số vấn đề nổi cộm như dư thừa nguồn lực tàu bay, cạnh tranh về giá vé,…
IATA dự báo ngành hàng không tiếp tục bị ảnh hưởng của đại dịch và có khả năng đến năm 2024 mới hồi phục bằng năm 2019. Riêng đối với năm 2022, khu vực Châu Á sẽ là khu vực có tốc độ hồi phục chậm, đạt khoảng trên 20%, thấp hơn so với mức 65-75% của Châu Mỹ và Châu Âu do ảnh hưởng của tốc độ tiêm vắc-xin và các chính sách kiểm soát của các quốc gia Châu Á. Thị trường hàng không Việt Nam dự báo cũng theo các diễn tiến chung trong khu vực và trên thế giới.
Cho đến hiện tại, việc triển khai tiêm vắc-xin và nâng cao nhận thức cho người dân để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thậm sản xuất thuốc điều trị COVID-19 mặc dù đã có những bước tiến nhưng các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tuyên truyền chí đóng cửa biên giới vẫn đang được duy trì ở hầu hết các quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá các biến chủng mới hiện nay có khả năng lây truyền mạnh, kháng vắc-xin nên nguy hiểm và khó kiểm soát hơn. WHO cũng cảnh báo sẽ còn xuất hiện thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Do vậy, thách thức mà ngành y tế cũng như hàng không và du lịch phải đối mặt trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều.
Cơ hội
Bên cạnh những khó khăn và thách thức, dịch COVID-19 cũng mở ra nhiều cơ hội để thích ứng và thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực.
Điển hình như trong thời gian giãn cách xã hội, các cuộc họp, chương trình học tập, hội thảo,… dưới hình thức trực tuyến đã được tổ chức rộng rãi, cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số mạnh mẽ. Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đã có những phiên họp trực tuyến mang tính tiên phong; Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức họp trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 6/2020; Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN họp trực tuyến trong tháng 9/2020. Cùng với đó, nhiều nền tảng, ứng dụng và sản phẩm công nghệ mới đã ra đời, giúp người dân toàn cầu duy trì kết nối, học tập và làm việc trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách do dịch bệnh.
Riêng với ngành du lịch và hàng không, COVID-19 cũng mang tới cơ hội để hai ngành tăng cường sự liên minh, hợp tác nhằm hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch kiểu mới, vừa thu hút khách du lịch trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ, vừa hỗ trợ hai ngành cùng phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Theo đó, dịch bệnh đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu, hành vi của khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch và hàng không. Cụ thể, khách hàng có xu hướng chú trọng hơn tới các yếu tố như đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh, bảo hiểm du lịch, hạn chế tiếp xúc đông người. Du khách có xu hướng tìm đến những địa điểm còn hoang sơ, cô lập, trải nghiệm kỳ nghỉ dưỡng ở các không gian mở, biệt lập, không chỉ mang tới sự yên tĩnh và còn an tâm tuyệt đối, tránh sự đông đúc, ồn ào. Đến 63% du khách có ý định tránh xa các điểm du lịch đông đúc, với 51% tránh đi du lịch vào mùa cao điểm và 48% chọn đến các điểm thay thế để tránh tình trạng quá tải.
Theo dự báo của Earnst and Young, khách di chuyển nội địa và ngắn ngày sẽ là đối tượng khách hồi phục nhanh nhất. Cụ thể, khách du lịch có xu hướng chuyển sang lựa chọn các điểm du lịch gần, rút ngắn thời gian của kỳ nghỉ, xây dựng kế hoạch du lịch sát với thời điểm khởi hành và ưu tiên khả năng thay đổi kế hoạch linh hoạt. Thay vì cân nhắc giá cả là một trong những tiêu chí hàng đầu như trước đây, hầu hết khách hàng đặt tính an toàn là quan trọng nhất trong quá trình trải nghiệm và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm du lịch có chất lượng cao.
Khu vực Đông Nam Á, với dân số khoảng gần 700 triệu dân, là thị trường tiềm năng cho các hãng hàng không trong khu vực. Trong đó, Việt Nam có lợi thế khi là quốc gia có kinh nghiệm kiểm soát thành công nhiều đợt dịch COVID-19, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng, nâng cao hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn; phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển các ngành khác, tiến đến năm 2025 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu toàn ngành đạt 1.700 - 1.800 tỷ đồng, đóng góp 12 - 14% tổng GDP cả nước.
Trước những nhu cầu và tiềm năng của thị trường, với lợi thế lớn về thiên nhiên, cảnh quan đẹp và đa dạng (biển, núi, rừng), ngành du lịch và hàng không Việt Nam có thể cùng kết hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch với hình thức mới, mức giá mới, phù hợp với mong muốn được quay trở lại trải nghiệm của khách hàng một cách an toàn, tiện lợi.
Hai bên có thể xây dựng và mở bán các sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được các mức giá cao hơn. Ví dụ, các khách sạn, lữ hành, hàng không có thể cùng kết hợp bán gói cho gia đình kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống, cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe limousine hoặc xe bus đến phòng nghỉ.
Bên cạnh tạo ra sản phẩm dịch vụ thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng, hai ngành cũng cần tiếp tục phối hợp phát triển du lịch bền vững, giảm tác động vào môi trường, duy trì bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản, hướng đến xây dựng điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, xanh và sạch.
Nỗ lực vượt khó và phục hồi của Vietnam Airlines
Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của COVID-19, các hãng hàng không đã và đang có những giải pháp nhằm ứng phó và duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh sự hỗ trợ chính sách từ các cơ quan chức năng thì nỗ lực chủ động vượt khó của các doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào sự tồn tại của ngành hàng không và chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phục hồi, tái phát triển.
Là Hãng hàng không Quốc gia và lực lượng chủ lực trong lĩnh vực vận tải hàng không, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch và phục hồi, trong đó phương án tái cơ cấu doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2025 với việc tập trung vào cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, giảm chi phí, hướng đến nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của Vietnam Airlines.
Đối với lĩnh vực du lịch, Vietnam Airlines cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội phối hợp cùng ngành du lịch khôi phục hoạt động ngay khi điều kiện cho phép. Cụ thể, năm 2020 Vietnam Airlines đã cùng Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các công ty, tổ chức trong ngành lữ hành, du lịch, hàng không và các địa phương xây dựng bộ tiêu chí tạo ra các gói sản phẩm du lịch an toàn, tạo thành liên minh để triển khai kịp thời các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Đến nay, Vietnam Airlines đã được công nhận là hãng bay có tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh vượt trội nhất ngành hàng không Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khắt khe của ngành hàng không quốc tế. Theo Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax, tiêu chuẩn phòng, chống dịch của Vietnam Airlines được đánh giá mức cao nhất 5 sao, đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam và thứ 9 trên thế giới đạt được mức xếp hạng này. Bên cạnh đó, website AirlineRatings cũng đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch của Vietnam Airlines đạt mức tối đa 7/7 sao.
Để đạt được mức đánh giá này, Vietnam Airlines là đơn vị vận tải hàng không duy nhất tại Việt Nam xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn các cấp độ phòng, chống dịch nhằm linh hoạt vận dụng cho từng chuyến bay, đường bay. Vietnam Airlines cũng là hãng đầu tư mạnh mẽ nhất vào công tác khử khuẩn với việc khử khuẩn toàn bộ máy bay hàng ngày, sát khuẩn trang thiết bị và dụng cụ phục vụ hành khách nhiều lần trong ngày, bố trí thảm phun dung dịch khử khuẩn tại cửa ra máy bay, cung cấp khăn kháng khuẩn cho hành khách trên chuyến bay và ứng dụng tia cực tím để khử khuẩn tai nghe sau chuyến bay.
Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu các dịch vụ mới như nhận thẻ lên máy bay tại nhà, tự quẹt thẻ lên máy bay, gửi hành lý trước khi lên sân bay và gửi về nhà sau chuyến bay,... đồng thời ứng dụng công nghệ chuyển đối số vào công tác quản lý tiêu chuẩn phòng, chống dịch để xây dựng quy trình trải nghiệm dịch vụ “không điểm chạm”, giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu tiếp xúc cho hành khách và hướng đến chất lượng dịch v�� 5 sao.
Bên cạnh nỗ lực xây dựng trải nghiệm dịch vụ hàng không an toàn, Vietnam Airlines cũng liên tục đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới, các chương trình bán ưu đãi với mức giá chưa từng có để kích cầu thị trường, đồng thời nâng cấp các sản phẩm được ra mắt trước đó như VNAHolidays - sản phẩm trọn gói kết hợp hàng không và du lịch, VNAXPRESS - Đường bay Hồ Chí Minh, chuyến bay liên danh với Pacific Airlines, sản phẩm “Vé rẻ cả gói” (Flight Pass) cho phép hành khách mua trước vé cho nhiều chặng bay với giá ưu đãi đến 50%, v.v.
Góp phần kích cầu du lịch trong nước, năm 2020 đánh dấu kỷ lục của Vietnam Airlines khi mở thêm tới 22 đường bay nội địa mới. Hiện tại, mặc dù mạng đường bay trong nước và quốc tế bị hạn chế hoạt động nhưng Vietnam Airlines vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội mở thêm các đường bay mới để đáp ứng nhu cầu của hành khách và quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Song song đó, Vietnam Airlines đang tiên phong đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước triển khai chương trình thí điểm về hộ chiếu sức khỏe điện tử. Thời gian qua, Vietnam Airlines đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành thực hiện thành công các chuyến bay đầu tiên thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass cho hành khách từ Việt Nam đi quốc tế và ngược lại. Việc các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, chính thức công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử, tạo đà mở cửa bầu trời và đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế.
Cùng với nỗ lực mở cửa các đường bay, ngành hàng không cũng đang đồng hành cùng ngành du lịch và các địa phương thí điểm đón khách du lịch quốc tế an toàn. Trong đó, điểm đến đầu tiên được lựa chọn là Phú Quốc (Kiên Giang), sau đó sẽtừng bước mở rộng ra các địa phương khác trên cả nước như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Đây không chỉ là tin vui cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành mà còn là tín hiệu về triển vọng phục hồi của ngành hàng không sau hơn hai năm chịu sức ép của dịch bệnh.
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước
Bất kỳ một nền kinh tế nào muốn tiến nhanh, tiến xa cũng phải dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng vững chắc, hiện đại; trong đó, hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ và hành khách một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngành hàng không với những ưu điểm nổi trội trong vận tải hành khách và hàng hóa chính là công cụ và bước đệm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.
Cụ thể, nền kinh tế được hưởng lợi từ sự phát triển của hàng không trong các lĩnh vực, trực tiếp như sản xuất máy bay, cung ứng dịch vụ hàng không, dịch vụ mặt đất, kho bãi,... hay gián tiếp thông qua phát triển công nghiệp phụ trợ và khai thác những thị trường xuất khẩu mới.
Ngành hàng không còn mang lại các lợi ích xã hội thông qua thúc đẩy các hoạt động du lịch, kinh doanh và thương mại, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại thu nhập quốc gia thông qua thuế và các lợi ích về phát triển kết nối giữa các quốc gia, vùng, miền. Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ an sinh như cứu thương, cứu trợ,...
Với tầm quan trọng của ngành hàng không, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai những biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19. Việc hỗ trợ được triển khai dưới nhiều hình thức như cho vay, tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, trợ cấp lương, giảm thuế, phí... Một số quốc gia đã thể hiện cả hai vai trò của nhà nước bao gồm vai trò quản lý đối với ngành hàng không thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho toàn bộ các hãng hàng không, và vai trò chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các hãng hàng không quốc gia thông qua các gói hỗ trợ đặc thù.
Việc nhà nước thể hiện rõ vai trò của mình sẽ góp phần bảo đảm sự tồn tại của các hãng hàng không và lợi ích của khách hàng, tạo tiền đề cho ngành hàng không phục hồi trong tương lai. Đặc biệt, việc phân bổ, tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành hàng không là yêu cầu cấp thiết bởi khi nền kinh tế được tái khởi động, đây sẽ là ngành đóng vai trò dẫn dắt nhờ tính lan tỏa về lợi ích kinh tế, xã hội đến các ngành thương mại và dịch vụ khác, trong đó có ngành du lịch.
Như vậy, có thể nói nhà nước có vai trò lớn trong việc thực hiện quản lý trong giám sát, vận hành của các doanh nghiệp hàng không và chủ sở hữu đối với doanh nghiệp hàng không quốc gia. Ngoài ra, nhà nước còn đóng vai trò đặt ra hành lang pháp lý và thực thi các chính sách để bảo đảm thị trường vận hành một cách trơn tru, có hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, trước tình hình nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành ra các chính sách hỗ trợ mọi lĩnh vực, ngành nghề và doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Đối với hàng không, các giải pháp hỗ trợ được Chính phủ triển khai với quy mô lớn, đồng bộ và có sự tham gia của các cấp, các ngành. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn với các hãng hàng không trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần giúp các hãng cắt giảm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Điển hình như Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, nhiều lĩnh vực có mức giảm cao, như giảm 50% mức thu 20 - 22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không,... Thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng từ ngày 01/7/2021 đến ngày 31/12/2021, với số giảm thu từ phí, lệ phí trong 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển. Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Bộ Tài chính cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 không bị cắt giao dịch ký quỹ khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/11/2021 đến ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ vận tải nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19. Nhờ chính sách này, từ nay đến hết năm 2021, khách hàng của Vietnam Airlines khi mua trực tiếp sản phẩm dịch vụ của hãng hàng không sẽ được tính mức thuế VAT là 7% thay vì 10% như trước đó.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết. Hiện Cục Hàng không đã hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng. Tuy nhiên, Cục Hàng không thừa nhận khó khăn hiện nay mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch COVID-19.
Vào tháng 5/2021, IATA đưa ra mức dự báo thị trường sẽ hồi phục 88% so với năm 2019 ngay trong năm 2022 và hồi phục hoàn toàn vào năm 2023. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, tổ chức này đã hạ dự báo năm 2022 và khu vực hồi phục dự kiến nhanh nhất là Châu Âu cũng chỉ đạt 75%, Châu Á thấp nhất khoảng 20%. Do đó, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài như bây giờ, ngành hàng không chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.
Đứng trước tình hình đó, các hãng hàng không đều trông chờ nhà nước tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19. Trong đó, các giải pháp chính cần được cân nhắc, xem xét như:
Thứ nhất, việc điều tiết thị trường hàng không để hướng đến sự khôi phục, phát triển bền vững là rất quan trọng. Một số vấn đề liên quan và mang tính cấp thiết hiện nay có thể kể đến như: xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường; điều chỉnh giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không; cân đối giá vé máy bay với giá các loại hình vận tải khác; mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông như hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không, hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.
Thứ ba, đối với Vietnam Airlines, rất cần có các phương án tạo điều kiện cho Hãng thực hiện vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước và của Hãng hàng không Quốc gia trong lĩnh vực hàng không, du lịch, thực hiện được các chiến lược kinh doanh và đầu tư đã hoạch định, đóng góp xứng đáng trong sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thứ tư, điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không và du lịch có cơ hội phục hồi là tình hình dịch bệnh được kiếm soát, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cần có sự chung tay phối hợp với các công ty, tổ chức trong lĩnh vực hàng không và du lịch để có chính sách riêng cho lĩnh vực này nhằm xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn. Riêng đối với ngành hàng không, các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay phù hợp theo từng giai đoạn để các hãng hàng không chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, hạn chế tình trạng mở bán vé ồ ạt, giảm giá vé sâu làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng và lợi ích của khách hàng.
Thứ năm, các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, để quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch, đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu tiêm chủng hiệu quả nhằm tối ưu công tác quản lý của các cơ quan, hãng hàng không, công ty lữ hành - du lịch cũng như giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại các địa phương.
Với tiến độ phủ rộng tiêm vắc-xin, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, cầu hàng không chắc chắn sẽ sớm khôi phục trở lại và phát huy tiềm năng vốn có, đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò là đôi cánh của du lịch, đưa ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đặng Anh Tuấn
Trưởng Ban Truyền thông
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines
(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”)