![](/FileManager/mypicture/letexatac2011.jpgl.jpg)
|
Lễ tế Xã Tắc lần thứ 4
|
Theo tư liệu lịch sử, các vương triều độc lập của nước ta đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức lễ tế Xã Tắc hàng năm để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Nay, chỉ duy nhất tại Cố đô Huế còn bảo tồn được đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến lễ tế Xã Tắc. Theo quy định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua “ngự giá” làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại, các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn đa phần đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc. Ngoài ra, triều đình tổ chức lễ tế thì tại các gia đình người dân Huế cũng tổ chức cúng đất vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch hàng năm và đến nay tập tục này vẫn còn duy trì tại hầu hết các gia đình gốc Huế.
Lễ tế Xã tắc lần thứ tư diễn ra trang trọng, uy nghiêm trong nền thiêng của Nhã nhạc. Đoàn ngự đạo xuất cung có đầy đủ long đình, ngự liễn, ngự kỷ, các đội nhạc lễ cung đình, các loại cờ truyền thống, voi và ngựa. Lực lượng tham gia mặc trang phục truyền thống theo quy định dưới triều Nguyễn. Vật phẩm dâng tế có đủ tam sinh, ngọc lụa, gạo, hoa quả... Tại khu vực đàn Xã Tắc, lễ tế được bắt đầu với lễ Quán tẩy (vua rửa tay). Sau đó là lễ Thượng hương, Nghinh thần, Điện ngọc bạch, Truyền chúc, Á hiến...
Theo Ban Tổ chức, lễ tế Xã Tắc sẽ tập trung phục dựng ngày càng nhiều hơn những gì trong lịch sử từng diễn ra. TS. Phan Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết: hiện hồ sơ lễ tế Xã Tắc do Trung tâm xây dựng đã hoàn thành và đang chuẩn bị trình hội đồng khoa học thông qua trước khi trình lên các cơ quan chức năng để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận lễ tế Xã Tắc là di sản thế giới.
Minh Hạnh