Tại lễ khai hội, sau nghi thức Tuyên đọc chúc văn, các đại biểu cùng nhân dân địa phương và du khách thập phương đã tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán ra khỏi bờ cõi đất nước, khôi phục “nghiệp xưa họ Hùng”, độc lập, tự chủ cho dân tộc, những người đã viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta ngay trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban tổ chức lễ hội nêu rõ, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo, hiên ngang phủ nhận cường quyền phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng làm chấn động cả cõi trời Nam và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa lịch sử này cũng đã khắc dấu son đầu tiên, khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ Việt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm vẻ vang, rạng danh non sông đất nước. “Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mãi mãi để lại cho chúng ta một sự nghiệp vĩ đại và một di sản tinh thần vô giá. Đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phát huy sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ. Chúng ta tự hào về truyền thống phụ nữ Việt Nam đó là nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, bà Hiền nhấn mạnh.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu tham dự đã được xem màn trình diễn múa trống truyền thống, xem màn sử thi nghệ thuật truyền thống Hai Bà Trưng do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổng Việt Nam biểu diễn. Bên cạnh đó, trong không gian của lễ hội còn diễn ra múa rồng, biểu diễn võ thuật.
Tại Cụm di tích Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật phong phú, đặc sắc, đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2019 đã tổ chức các hoạt động gắn với Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 6/2 âm lịch hàng năm là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân Thủ đô, với nhiều nghi thức truyền thống trang trọng, thiêng liêng, tiêu biểu, như: Lễ cấp thủy, rước nước sông Hồng về đền thờ để tiến hành lễ mộc dục theo nghi thức cổ truyền. Bên cạnh đó, là các hoạt động vui chơi truyền thống, nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tuấn Hải