
Với ý nghĩa giới thiệu và khai thác vốn quý văn hóa truyền thống và tạo thêm sự kiện phục vụ du lịch, Lễ hội Katê 2018 có nhiều phần lễ và phần hội hấp dẫn. Nghi thức lễ Katê do các chức sắc tôn giáo người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành theo đúng nghi thức tôn giáo, phong tục truyền thống. Phần hội với các trò chơi dân gian, hội thi và trình diễn các nghề thủ công truyền thống và các tiết mục văn nghệ dân gian do đồng bào người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh thực hiện.

Mở đầu Lễ hội Katê 2018, các chức sắc tôn giáo người Chăm thực hiện nghi lễ cúng Cầu an tại tháp chính theo tập tục. Lễ chính diễn ra vào sáng 9/10 gồm nghi lễ chào mừng Lễ hội Katê, nghi thức truyền thống nghinh, thỉnh và rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư từ sân lễ lên tháp chính, rồi nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga - Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Katê.
Trong suốt lễ hội còn liên tục diễn ra các hoạt động như: giao lưu văn nghệ, giới thiệu ẩm thực, biểu diễn nghề dệt, làm gốm truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian như giã gạo, thi đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, trình diễn nhạc cụ dân tộc Chăm như thổi kèn Saranai, đánh trống Ginăng, Paranưng.
Bên cạnh tìm hiểu và trải nghiệm cùng Lễ hội Katê, tham quan di tích Tháp Pô Sah Inư Phan Thiết du khách còn tự mình khám phá nghệ thuật kiến trúc Chăm của cụm tháp, tìm hiểu truyền thuyết về địa danh Lầu Ông Hoàng, nghe kể chuyện mối tình bất hủ Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm; hay lựa chọn và mua sắm những món quà thủ công mỹ nghệ dân gian Chăm độc đáo, xem biểu diễn nghệ thuật Chăm.
Nguyên Vũ