![](/FileManager//uploads/images/Nam2014/Thang1/hoaban.jpg)
Chương trình nghệ thuật "Hoa Ban khoe sắc” gồm 3 chương: "Cội nguồn hoa Ban”, "Mường Thanh mời gọi”, "Muôn phương tụ hội”, với màn diễu hành văn hóa đường phố - chủ đề "Qua miền Tây Bắc xem lễ hội hoa Ban” tại quảng trường Trung tâm hội nghị - văn hóa tỉnh và trên một số tuyến đường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Chương trình chỉ diễn ra trong 60 phút nhưng gói gọn trong đó là nét đẹp độc đáo nhất của văn hóa Điện Biên, từ truyền thuyết về loài hoa đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc, tượng trưng cho tình yêu và là biểu tượng của lòng hiếu thảo đến các điệu múa truyền thống của bà con dân tộc Điện Biên như múa dệt vải, múa chai, múa mời rượu, múa kếp phắc, múa sạp, những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ và chợ phiên rực rỡ sắc màu Điện Biên nơi ngã ba biên giới...
Bà con 21 dân tộc anh em trên đất Mường Thanh cũng hướng về lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bằng những tiết mục văn nghệ hay nhất của dân tộc mình, ca ngợi cuộc sống mới, khát vọng hướng tới tương lai, xây dựng quê hương đẹp giàu. Trong lời hát ngọt ngào Inh lả ơi, với áo cóm, khăn piêu làm say đắm lòng người, những điệu múa, bản nhạc, điệu khèn, đàn tính, đàn môi, giọng hát… sẽ trở thành liên khúc mang âm hưởng văn nghệ dân gian địa phương, ca ngợi tình yêu quê hương và khát vọng vươn tới của người dân Điện Biên hôm nay.
Đoàn diễu hành gồm 15 xe hoa mô hình, trong đó có 8 xe giới thiệu về bản sắc và tiềm năng của Điện Biên, giới thiệu loài hoa gần gũi với con người Điện Biên, những thửa ruộng bậc thang, cọn nước cho đến hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng, các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, các quả đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ cát) hay khu rừng nguyên sinh Mường Nhé, hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo), các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ…
7 xe hoa mô hình của các tỉnh bạn góp phần phô diễn tinh hoa văn hóa Tây Bắc. Xe mô hình của tỉnh Hòa Bình giới thiệu với du khách động Thác Bờ, hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc, vùng hồ sông Ðà thơ mộng. Với tỉnh Sơn La là hình ảnh về sản phẩm sạch của cao nguyên Mộc Châu; Phú Thọ với hình tượng chim hạc, trống đồng và màn múa Lang Liêu dâng bánh; với Yên Bái là thủy điện và hồ Thác Bà; Lào Cai có lễ Tết nhảy của người Dao; Lai Châu có nhà máy thủy điện và động Pusan Cap; Hà Giang nổi bật với cao nguyên đá Đồng Văn và cột cờ Lũng Cú… Cuối cùng, màn đại xòe sẽ khép lại một hoạt động văn hóa lớn nhất trong năm.
Vẫn hút du khách bằng những địa danh lịch sử gắn với chiến thắng thần kỳ của dân tộc, nhưng người Điện Biên còn mong muốn xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa – sinh thái – lịch sử gắn với hoa ban và chương trình nghệ thuật “Hoa ban khoe sắc” là bước đi đầu tiên. Chương trình này do Công ty Cổ phần quảng cáo - Thương mại và xây dựng Anh Sơn, đơn vị có năng lực và kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn cấp quốc gia ở các tỉnh bạn (đã xác lập 4 kỷ lục Việt Nam) cùng nhóm tác gia có uy tín trong nước về viết kịch bản và đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp thực hiện.
Cùng với họat động quảng bá vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất lịch sử này, Điện Biên cũng đã và đang xây dựng các điều kiện về đường giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng…cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch, nhằm trước mắt nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách đến với Điện Biên dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lâu dài là để bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân từ 13 – 15%/năm và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Điện Biên trở thành một trong 3 địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng du lịch trung du miền núi Bắc bộ trong mươi, mười lăm năm tới.
PV