
Giải Dù lượn Việt Nam mở rộng 2019 là nơi các phi công có cơ hội trao đổi, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị của cộng đồng dù lượn tại Việt Nam và bạn bè quốc tế. Sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập thành tỉnh Quảng Ngãi; hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa – Du lịch huyện đảo Lý Sơn lần thứ II.
“Sự kiện lần này nhằm mục đích quảng bá về hoạt động dù lượn Việt Nam và về biển đảo Lý Sơn. Qua hoạt động dù lượn và các phương tiện truyền thông, chúng tôi sẽ cố gắng, mang những hình ảnh đẹp của Lý Sơn để nhiều người biết đến, thu hút khách du lịch cho địa phương”, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội dù lượn thành phố Hà Nội cho biết.
Theo dự kiến giải đấu sẽ có sự góp mặt của khoảng 100 phi công đến từ khắp các câu lạc bộ dù lượn trên cả nước gồm Câu lạc bộ dù lượn Hà Nội, Vietwings Hà Nội, Dù lượn Đông Bắc, Dù lượn News Sky, Dù lượn Đà Nẵng, Dù lượn Sài Gòn. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng gửi thư mời đến một số đoàn vận động viên các nước Thái Lan, Malaysia, Lào, Indonesia, Nhật Bản….
Điểm cất cánh dù lượn nằm trên đỉnh núi Thới Lới, đảo Lý Sơn, là 1 trong 5 ngọn núi lửa đã tắt của huyện đảo. Điểm cất cánh có độ cao gần 170m so với mặt nước biển. Đối tượng tham gia giải bao gồm tất cả các phi công dù lượn trong và ngoài nước có chứng chỉ dù lượn quốc tế (P3) hoặc được bảo lãnh trình độ tại Câu lạc bộ chủ quản có tư cách pháp nhân.
Giải đấu chỉ có một nội dung thi đấu là hạ cánh chính xác. Đây là nội dung tiêu chuẩn mà các giải quốc tế thống nhất cao về luật thi đấu. Cơ cấu giải thưởng đa dạng bao gồm Hạng mục giải Quốc gia (dành cho các vận động viên Việt Nam), Hạng mục giải chung (tính điểm các Vận động viên Việt Nam và nước ngoài) với tổng giá trị giải thưởng lên đến 50 triệu đồng.
Để đảm bảo Giải có sự an toàn tuyệt đối, Ban Tổ chức lập ra Tiểu Ban an toàn. Tiểu Ban có trách nhiệm giám sát tất cả các khía cạnh an toàn, bao gồm: Kiểm tra các điều kiện khí tượng, tốc độ gió ở điểm cất - hạ cánh, kiểm tra giãn cách bay giữa các VĐV, ngăn chặn các VĐV cất cánh với thiết bị không an toàn… Ngoài ra, trong thời gian thi đấu sẽ có một đội y tế với trang thiết bị phù hợp đặt tại khu vực hạ cánh, chịu trách nhiệm sơ cứu và vận chuyển bằng xe cứu thương trong khoảng 10 phút đến cơ sở y tế gần nhất tại huyện đảo Lý Sơn.
HN