Gia đình là tấm gương
Bố mẹ phải làm gương tốt trong lối sống, cách ứng xử, tránh để xảy ra xung đột trước mặt trẻ con, tạo cho trẻ ổn định về tâm lý, hình thành nhân cách tốt cho trẻ; luôn gần gũi với cuộc sống và chia sẻ với con hàng ngày những điều tốt đẹp.
Có những giải pháp đúng đắn để định hướng cho trẻ ngay từ khi còn ở tuổi chưa đi học. Khi đến tuổi vị thành niên, bố mẹ cần chỉ cho chúng biết những tác hại của ma túy. Con bước sang tuổi dậy thì, bố mẹ nên quan tâm định hướng đúng trong các mối quan hệ của con với bạn bè và xã hội.
Khuyến khích con em mình làm những việc tốt tạo cho trẻ hưng phấn và lòng tự tin, quên đi những cảm giác bị ràng buộc, mất tự do, ngăn chặn những ''bột phát'' của trẻ.
Những đứa trẻ bỏ học khi còn nhỏ, hay không có điều kiện tiếp tục cắp sách đến trường thì nguy cơ nghiện ma tuý dễ dàng hơn. Vì vậy, gia đình cần quan tâm đến sự nghiệp học tập của con. Đối với những thanh niên chưa có công ăn việc làm hoặc việc làm không ổn định thì gia đình cũng vẫn cần phải tiếp tục quan tâm để động viên san sẻ những khó khăn, giúp họ vượt lên, hướng tới tương lại tốt đẹp.
Sự tác động của gia đình là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hạn chế thanh thiếu niên nghiện ma tuý.
Nhà trường và xã hội tạo những sân chơi giáo dục bổ ích
Nhà trường và xã hội tổ chức các hoạt động Đội thiếu niên, nhi đồng, Đoàn thanh niên để thanh thiếu niên có điều kiện tiếp xúc, hòa nhập với nhóm bạn tốt, sống có lý tưởng. Kết hợp học tập nội khóa với tuyên truyền, giáo dục tác hại của ma túy; nội dung tuyên truyền phải dễ hiểu và thiết thực, kèm theo những hình thức hấp dẫn như: phim ảnh, báo tường, thi tìm hiểu có thưởng... để thanh thiếu niên tìm hiểu và có nhận thức nghiêm túc với tệ nạn ma túy.
Nhà trường và địa phương cần tạo ra những sân chơi hợp lý, bổ ích và lý thú để tạo niềm hứng thú say mê lành mạnh cho thanh thiếu niên. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cuốn hút thanh thiếu niên không để ma túy lôi kéo.
Với những thanh niên chưa có việc làm cần có kế hoạch đào tạo, dạy nghề và sắp xếp việc làm. Cần phải kết hợp các cơ quan đoàn thể xung quanh nơi họ đang sống để theo dõi, vận động không để họ bị ma túy lôi kéo.
Phòng chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng cơ quan nào mà cần một phong trào quần chúng rộng rãi, có tính xã hội cao. Vậy, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; các phương tiện truyền thông cần tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung thiết thực; các cơ quan báo đài phát huy lợi thế để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phòng, chống ma túy, khai thác tuyên truyền có hiệu quả trên hệ thống đài truyền thanh tại các phường, xã, thị trấn; thông qua hoạt động của các đoàn thể góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy nhằm làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội; gắn tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khóm, ấp văn hóa… xây dựng xã, phường không tệ nạn xã hội.
PV