Cơ duyên nào đưa bà đến với du lịch? Vì sao bà quyết định triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng tại Thanh Thủy Chánh mà không phải là một nơi nào khác?
Tôi học ở Liên Xô (cũ) và có nhiều năm công tác trong ngành Giao thông vận tải, sau đó làm doanh nghiệp. “Bén duyên” du lịch sau một lần về thăm làng Thanh Thủy Chánh, tôi thực sự bị “hớp hồn” bởi vẻ đẹp thanh bình nơi đây - một cây cầu bắc qua con sông nhỏ giữa một không gian đậm chất quê dân dã, mộc mạc, người dân chân chất.
Càng tìm hiểu lịch sử vùng đất này tôi càng trăn trở. Tại sao ngày xưa một người phụ nữ lại có thể tự bỏ tiền ra để xây nên một chiếc cầu cho dân đi lại mà không màng đến lợi ích cá nhân. Cây cầu đi vào lịch sử, mang tính nhân văn cao. Bây giờ chúng ta hơn người xưa nhiều lắm. Thế thì lý do gì mà doanh nghiệp, doanh nhân lại không thể tiếp bước được người xưa?
Với mong muốn phát huy tinh thần nhân văn cao đẹp đó và cũng là để góp một phần công sức của mình với địa phương còn nhiều khó khăn (Thanh Thủy là làng cách mạng, cả xã có 650 liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh - PV), tôi thấy phải làm một cái gì đó cho cộng đồng. Nơi đây có cây cầu ngói Thanh Toàn thu hút khá đông du khách nhưng các dịch vụ còn rất ít, khách lưu trú gần như chưa có.
Tôi mong muốn người dân tập làm du lịch và họ sẽ hưởng thụ thành quả của mình bởi họ chính là chủ thể. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Để quảng bá nơi này, tôi tổ chức đêm biểu diễn đầu tiên (năm 2017) với chủ đề “Đắm say một miền quê Thanh Toàn”. Đây là chương trình rất khó bởi phải huy động người dân địa phương cùng tham gia biểu diễn với diễn viên, người mẫu chuyên nghiệp. Chương trình được chính quyền ủng hộ, bà con nhân dân tham gia nhiệt tình, các anh em nghệ sỹ ở Huế hỗ trợ… nên thành công rực rỡ, tạo tiếng vang thu hút du khách đến Thanh Toàn nhiều hơn.
Dự án phát triển du lịch cộng đồng cụ thể là những gì, thưa bà?
Để đáp ứng nhu cầu của du khách thì phải có các dịch vụ về lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… Các dịch vụ này ở Thanh Thủy hiện rất thiếu. Vì vậy, trước mắt tôi đầu tư một homestay để phục vụ khách lưu trú, tại đây có cửa hàng cho thuê áo dài để du khách có những bức hình lưu niệm như ý khi đến thăm cầu ngói Thanh Toàn.
Tôi không nhằm mục đích kinh doanh mà để bà con làm quen dần với các dịch vụ phục vụ du khách, tiếp đó đào tạo từng bước để họ có thể làm du lịch cộng đồng. Thời gian tới sẽ làm một khu ẩm thực, khu đào tạo cho người dân kiến thức cơ bản giao tiếp phục vụ khách nước ngoài.
Đồng thời, tôi xây dựng đề án làm khu nghỉ dưỡng đồng quê. Hiện tại chúng tôi đã làm việc với hợp tác xã trồng sen để tiến hành trồng sen 4 mùa trên sông. Phía bên kia sông sẽ dựng khoảng 20 căn nhà du lịch.
Dự kiến, buổi sáng tổ chức buffet làng quê; tối thì có chương trình nghệ thuật như: hát cho nhau nghe, hò giã gạo, bài chòi hoặc có thể đốt lửa trại; buổi chiều du khách bơi thuyền, đánh cá, câu cá trên sông Như Ý, nướng cá ven bờ…
Mong muốn của tôi là về sau khách du lịch sẽ ở cùng với người dân địa phương để trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, cái này tương đối khó vì người dân ở đây chưa quen với việc đó, để làm được cần có lộ trình.Tôi tâm niệm, phải tạo ra cái môi trường du lịch để người dân cùng tham gia với tư cách là chủ thể.
Được biết cùng với triển khai dự án du lịch cộng đồng bà còn kêu gọi tài trợ từ các tổ chức trong nước, quốc tế một số dự án về môi trường. Bà có thể chia sẻ thêm?
Năm 2017, khi đồng hành với Tập đoàn Cocacola làm một số sự kiện về nghệ thuật, tôi tranh thủ xin hỗ trợ về môi trường, cụ thể là dự án lọc nước uống. Thông qua Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, tập đoàn Cocacola đã tài trợ thiết bị lọc nước trị giá 4,3 tỷ đồng, cung cấp 6.000 lít nước uống mỗi ngày cho xã Thanh Thủy.
Để thay đổi thói quen của người dân không phải là điều dễ. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp với địa phương, rồi tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe cho nhân dân. Đầu tiên là cán bộ xã, trưởng thôn phải biết được cái tầm quan trọng của uống nước chuẩn mực tốt cho sức khỏe như thế nào. Sau đó là đến chị em tiểu thương rồi lan tỏa dần đến từng người dân. Buổi sáng uống nước lọc có lợi như thế nào, rồi vận động họ đến lấy nước. Bây giờ thì người dân đã quen với việc này. Họ đến lấy nước rất đông, vừa rồi có sự cố thiết bị lọc phải chờ sửa mấy ngày, bà con thấy thiếu hụt hẳn.
Điều thành công nhất là dự án tài trợ thiết bị hữu ích cho dân chứ không phải là tiền, cái nữa là nhận thức của người dân thay đổi, họ đã biết chăm sóc sức khỏe bản thân.
Bên cạnh đó, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cũng cử giáo viên về dạy khởi sự kinh doanh, dạy cho chị em tiểu thương cách kinh doanh như thế nào cho nó bài bản…
Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ triển khai các lớp dạy về cách làm du lịch để bà con từng bước tiếp cận, tiến tới có thể làm du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống từ du lịch…
Xin cảm ơn bà Đặng Thị Thùy Dương!
Việt Hùng (thực hiện)
Ảnh: Vũ Hải Nam