Lâm Đồng triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030

Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng
Theo đó, mục tiêu chung được đặt ra là: Khai thác có hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống, các giá trị văn hóa - lịch sử để phát triển ngành Du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, bền vững; nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Phấn đấu đến năm 2030 đón 15 triệu lượt khách. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015, Lâm Đồng sẽ đón từ 4,5 – 5 triệu lượt du khách; số ngày lưu trú bình quân là 2,8 ngày mỗi lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, số ngày lưu trú là 3 ngày và doanh thu xã hội từ du lịch đạt 13.000 tỷ đồng. Và đến năm 2030, số ngày lưu trú tăng lên 3,2 ngày và doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng.
Về cơ sở lưu trú du lịch, tỉnh Lâm Đông phấn đấu đến năm 2015 có 25.000 phòng nghỉ; trong đó, số phòng nghỉ thuộc khách sạn đạt từ 3 – 5 sao chiếm 50% trong tổng số phòng của các khách sạn đạt “sao” (từ 1 – 5 sao). Đến năm 2020, cả tỉnh có 35.000 phòng nghỉ, trong đó có 55% số phòng thuộc khách sạn 3 – 5 sao trong tổng số phòng của khách sạn đạt từ 1 – 5 sao; lực lượng lao động sẽ là 20.000 người, trong đó có 90% được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. Năm 2030: 50.000 phòng nghỉ, trong đó có 60% phòng khách sạn 3 – 5 sao; 30.000 lao động, trong đó có 95% qua đào tạo.
Để thực hiện các mục tiêu trên, bản kế hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp: đa dạng hóa sản phẩm du lịch; gắn việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển văn hóa và các làng nghề truyền thống; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa và thể thao để thu hút du khách và đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên xây dựng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch;
Định hướng đầu tư và nâng cấp các khu và điểm du lịch hiện có theo chuyên đề; mở rộng dịch vụ để thu hút khách du lịch; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc giữ gìn, tôn tạo và nâng cấp các danh lam thắng cảnh, khắc phục tình trạng xuống cấp;
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai để tạo ra sản phẩm du lịch mới và đặc trưng để phục vụ khách du lịch; ưu tiên đầu tư các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp và tập trung ở Đà Lạt;
Đầu tư và thu hút đầu tư, giải pháp về tuyên truyền – quảng bá và xúc tiến du lịch, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, về công tác quản lý Nhà nước về du lịch, về kinh phí thực hiện…
PV