Danh lam thắng cảnh
Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt biển, Lâm Đồng có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá đa dạng, phong phú. Hệ thống sông, suối, hồ, thác lớn tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hấp dẫn. Đến với Lâm Đồng, du khách không chỉ được nghỉ đêm giữa rừng, lắng đọng với nhịp điệu cồng chiêng cao nguyên mà còn được phiêu du theo dòng kênh rạch với những chiếc thuyền độc mộc; được câu cá, thưởng thức những sản vật sông hồ giữa rừng thông lộng gió. Còn gì tuyệt hơn khi sau một ngày tham gia các hoạt động khám phá bản địa, tham gia dã ngoại, leo núi, vượt thác… bạn lại được nghỉ ngơi, thư giãn trong những khách sạn cao cấp, những biệt thự mang phong cách Pháp, được phục vụ những bữa ăn ngon, những ly rượu vang nồng nàn hay tách cà phê nguyên chất nóng hổi trong không khí se lạnh, sương mù giăng mắc.
Khu du lịch Langbiang
Khu du lịch Langbiang cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về hướng Bắc, là đỉnh núi cao nhất cao nguyên Lâm Viên, với độ cao 2.167m so với mặt biển. Dưới chân núi Langbiang là nơi định cư của bản làng dân tộc Lạch, Chil… còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Nơi đây được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi sự đa dạng sinh học về các loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn.
Khu du lịch Lá Phong
Khu du lịch Lá Phong nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2km về hướng Đông Nam. Điểm nổi bật của khu du lịch là tòa nhà với 132 mái. Các công trình kiến trúc ở đây được xây dựng hài hòa với thiên nhiên gắn với những câu chuyện cổ tích cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như nhà trống, nhà mái, nhà nấm, suối địa đàng, suối mơ, hồ cá… Đến đây du khách sẽ cảm thấy ngạc nhiên hơn khi ngắm nhìn những cây phong lá đỏ, tùng bút, cây anh đào và hàng trăm cây lá kim đặc hữu quý hiếm của Đà Lạt.
Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương tọa lạc ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Hồ có hình trăng lưỡi liềm kéo dài gần 7km qua nhiều địa danh du lịch của thành phố như: vườn hoa thành phố, công viên Yersin, đồi Cù… Đây là nơi thơ mộng, cuốn hút khách nhàn du và cũng là nơi hò hẹn của những đôi bạn tâm tình. Mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng như tấm kính pha lê, soi bóng những hàng thông reo hát suốt ngày đêm. Du khách có thể ngồi dưới gốc tùng buông lưỡi câu, dạo chơi trên mặt hồ bằng những chiếc xe đạp nước hay dừng chân ở nhà hàng Thủy Tạ thưởng thức những ly nước ngọt đậm đà hương vị Ðà Lạt.
Hồ Than Thở
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt đi về hướng Thái Phiên - Chi Lăng, du khách sẽ đến hồ Than Thở. Con đường dẫn vào hồ quanh co uốn lượn được điểm tô bằng sắc vàng dịu dàng của những bụi cúc dại nép dưới hàng thông ngày đêm rì rào cùng gió núi. Hồ Than Thở còn là nơi gắn liền với câu chuyện tình buồn của đôi trai gái yêu nhau. Theo tiếng gọi của đất nước, chàng trai lên đường tòng quân giết giặc. Nơi quê nhà, cô gái nhận được tin chàng tử trận, liền quyên sinh theo người mình yêu. Không ngờ, chàng trai thắng trận trở về, giữ vẹn lòng chung thủy chàng cũng chết theo cô gái. Từ đó, hồ được mang tên là hồ Than Thở và cái tên ấy đã tồn tại suốt 200 năm nay. Ngày nay, hồ Than Thở được đầu tư tôn tạo thành một công viên giải trí với nhiều trò chơi hấp dẫn.
Vườn hoa Đà Lạt
Vườn hoa Đà Lạt là nơi hội tụ của trăm ngàn loài hoa kiều diễm, nằm ngay cạnh hồ Xuân Hương. Vườn hoa có diện tích khoảng 15ha, được bài trí độc đáo và bắt mắt. Đến vườn hoa thành phố Đà Lạt, du khách như được lạc vào thiên đường của các loài hoa đủ màu sắc và hương thơm từ hoa hồng, hoa mimosa, dạ yến thảo, phong lan, xương rồng… đến những loài hoa ngoại nhập như cúc, đồng tiền, đỗ quyên… Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, tại vườn hoa thành phố Đà Lạt diễn ra Hội hoa xuân thu hút đông đảo các nghệ nhân đến tranh tài và khách du lịch đến thưởng lãm.
Thung lũng Tình Yêu
Thung lũng Tình Yêu cách trung tâm thành phố Ðà Lạt chừng 5km về phía Bắc, nằm sâu bên sườn đồi với những rừng thông quanh năm xanh biếc. Dưới thời vua Bảo Ðại vùng này được gọi là thung lũng Hòa Bình, sau đó đổi thành thung lũng Tình Yêu. Thung lũng Tình Yêu có 3 khu vực tham quan là hoa viên đầu thung lũng, hồ Đa Thiện ở dưới thung lũng và khu dã ngoại. Từ đây, du khách có thể ngắm núi Langbiang cùng mây trôi bồng bềnh phía xa xa. Với những cảnh sắc tươi đẹp, Khu du lịch thung lũng Tình Yêu đã trở thành địa điểm tham quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của du khách trên hành trình khám phá thành phố Đà Lạt mộng mơ.
Thác Prenn
Khác với những dòng thác khác ở Tây Nguyên, thác Prenn mang một màu sắc rất riêng. Thác Prenn có độ cao gần 10m, rộng chừng 20m, nên nơi đây không có tiếng ào ào thác đổ dứt khoát, mà là âm thanh dịu êm róc rách nhẹ nhàng. Đến với thác Prenn, ngoài được tham gia các trò chơi giải trí như đi cầu mây treo qua suối, bơi thuyền thể thao…, du khách còn được tham quan những làng bản, cùng trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.
Thác Dambri
Thác Dambri là một trong những thác nước đẹp, cao nhất tỉnh Lâm Đồng, gắn liền với truyền thuyết đẹp về tấm lòng son sắt thủy chung của người thiếu nữ đợi chờ chàng trai mình yêu. Thác nằm trong một khu vực rộng 330ha gồm rừng nguyên sinh, khu du lịch, bản làng người dân tộc Châu Mạ và 2 thác nhỏ khác là Dasara và Đạ Tôn. Đến đây, ai cũng cảm thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác huyền thoại này. Từ trên độ cao 60m, vào mùa khô, thác nước đổ xuống nhẹ nhàng như một dải lụa mềm; vào mùa nước lớn, dòng thác ầm ầm tuôn trào trắng xóa giữa núi rừng. Còn gì lý thú hơn khi đứng giữa núi rừng, ngắm một ngọn thác đẹp và hùng vĩ, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tây Nguyên.
Khu du lịch hồ Tuyền Lâm
Cách thành phố Ðà Lạt 6km, hồ Tuyền Lâm nằm gọn giữa rừng thông mênh mông và dòng suối Tía huyền thoại. Đây là nơi gặp gỡ giữa sông, suối và cây rừng. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, nước phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, quyến rũ, hồ Tuyền Lâm hứa hẹn trở thành khu du lịch có quy mô lớn với nhiều loại hình du lịch đặc sắc như: tham quan thắng cảnh, sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Quảng trường Lâm Viên
Quảng trường Lâm Viên có tổng diện tích 72.000m2, từ lâu đã là điểm dừng chân của hàng ngàn du khách khi đến Đà Lạt. Không chỉ mang đến không gian rộng lớn, thoáng mát với nhiều hoạt động giải trí, Quảng trường Lâm Viên còn gây ấn tượng bởi công trình nghệ thuật khổng lồ với khối bông hoa dã quỳ và khối nụ hoa atiso được thiết kế bằng kính màu lạ mắt. Đóa hoa dã quỳ cao hơn 18m có diện tích 1.200m2, bên trong là cung biểu diễn nghệ thuật với 1.500 chỗ ngồi. Bên trong nụ hoa atiso sở hữu góc quán cà phê, quán bar tuyệt đẹp phục vụ du khách khi đến Đà Lạt. Đến đây, du khách có thể dạo mát, tham quan khu triển lãm, thương mại, vui chơi giải trí hoặc tham gia thả diều, trượt patin, cùng bạn bè tụ họp, ăn uống khám phá đài phun nước nghệ thuật rực rỡ sắc màu...
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Trải qua bề dày lịch sử gần trăm năm, Lâm Đồng sở hữu kho tàng di sản kiến trúc và văn hóa vô giá với nhiều biệt điện - dinh thự nguy nga, đền đài - chùa tháp cổ kính. Lâm Đồng còn là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống thuận hòa, góp phần làm nên những giá trị văn hóa đặc sắc cho vùng đất này. Đặc biệt, Lâm Đồng hiện đang sở hữu 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại và Bộ mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Đây là những tài sản vô giá, là niềm tự hào của người dân Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà ga xe lửa Đà Lạt
Nhà ga xe lửa Đà Lạt tọa lạc tại số 1 Quang Trung, thành phố Đà Lạt. Nhà ga có chiều dài 66m, chiều rộng 11,5m, chiều cao đại sảnh 11m. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền: một phòng lớn ở giữa (37m x 10m) và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên. Đây là một công trình có kiến trúc đẹp và độc đáo của thành phố Đà Lạt và của cả nước ta. Trước đây, nhà ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất tại Đông Dương. Năm 2001, ga Đà Lạt được công nhận là Di tích Kiến trúc quốc gia.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Cùng với Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh, Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong 3 thiền viện lớn nhất nước ta theo phái Trúc Lâm. Đến với thiền viện, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy những phút giây lắng đọng trong tâm hồn như ở chốn hư không, thanh khiết. Cái đẹp, cái đặc sắc của thiền viện là cảnh quan thanh thoát với trời mây non nước bao la, với ngàn thông vi vu gió lộng. Ai đã một lần đến Trúc Lâm Thiền viện đều thấy tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhõm, như trong sáng hơn, thanh sạch hơn.
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà)
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt là nhà thờ lớn nhất của giáo phận Đà Lạt, cũng là một trong những công trình kiến trúc cổ đầu tiên được người Pháp xây dựng. Nhà thờ tọa lạc tại đường Trần Phú - trung tâm của thành phố Đà Lạt. Kiến trúc nhà thờ Con Gà được thiết kế theo các nhà thờ công giáo Roma ở châu Âu. Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập (giống thánh giá) có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Với độ cao đó, từ tháp chuông của nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang. Khuôn viên của nhà thờ có những cây xanh được cắt tỉa cây gọn gàng và trồng nhiều hoa, đặc biệt là cây thông. Đây là một điểm tham quan thu hút du khách.
Dinh Bảo Đại tại Đà Lạt
Vua Bảo Đại có rất nhiều dinh thự trên cả nước và một trong những nơi có nhiều dinh thự của ông nhất chính là Đà Lạt. Tại Đà Lạt, Bảo Đại sở hữu 3 dinh cơ sang trọng đều là những địa điểm du lịch thu hút khách đến tham quan. Dinh I nằm trên một đồi thông thơ mộng, cách trung tâm thành phố chừng 4km về phía Đông Nam, với vẻ đẹp cổ kính, uy nghi, trang nhã. Dinh II là một dinh cơ sang trọng, có thể coi là lâu đài tráng lệ với 25 phòng, được bài trí cầu kỳ, tinh tế. Dinh III còn có tên gọi là Dinh Bảo Đại (biệt điện của vua Bảo Đại) nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km, trên một đồi thông tại đường Triệu Việt Vương với lối kiến trúc tuyệt đẹp.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn
Ẩn mình trên đồi 45, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, chùa Linh Quy Pháp Ấn còn được gọi bằng tên Am Pháp Ấn. Phong cảnh thanh tịnh yên bình nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Điểm nhấn của chùa Linh Quy Pháp Ấn là cánh cổng Thần đạo độc đáo uy nghiêm được ví như “Cổng trời”. Cánh cổng phảng phất nét kỳ bí nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ càng làm cảnh sắc thêm phần lung linh. Từ đây mở ra mọi khung cảnh góc nhìn thiên nhiên đặc trưng của Bảo Lộc. Đến với chùa Linh Quy Pháp Ấn, du khách sẽ được thả hồn vào không gian thanh tịnh, an nhiên nơi cửa Phật, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt. Ngôi trường được người Pháp thành lập năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, sau 8 năm thì hoàn thành. Tên gọi đầu tiên của trường là Petit Lycée Dalat, nơi chuyên dành cho việc giảng dạy con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có thời bấy giờ. Cho đến nay, ngôi trường được công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. Toàn bộ ngôi trường này là một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn cổ kính châu Âu, nhưng cũng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây. Với không gian thoáng đãng, trong lành cùng kiến trúc hài hòa, độc đáo, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt không chỉ là nơi lý tưởng để học tập, nghiên cứu mà còn là nơi thu hút các du khách đến tham quan.
Chùa Linh Phước
Chùa Linh Phước là một trong những danh thắng nổi tiếng của Đà Lạt với kiến trúc đậm nét bản sắc Á - Đông. Nơi đây luôn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điều tạo nên sự khác biệt của chùa Linh Phước đó là các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Chính bởi sự khác biệt này nên chùa còn có tên gọi khác là “chùa ve chai”. Không chỉ là chốn thiền môn, tâm linh, chùa Linh Phước còn là ngôi chùa được công nhận nhiều kỷ lục Việt Nam (11 kỷ lục). Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn tới Đà Lạt mà không một lần ghé thăm ngôi chùa đặc biệt này. Chiêm ngưỡng công trình khảm sành đặc sắc, ghi những lời ước nguyện đính lên chiếc chuông cổ hay trải nghiệm đường hầm 18 tầng địa ngục sẽ là những kỷ niệm khó quên trong chuyến đi của bạn…
Lễ hội
Lâm Đồng không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bầu không khí trong lành dễ chịu mà còn được biết tới với nhiều lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và không kém phần đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên
Lễ hội Cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hóa cồng chiêng, trong đó có Lâm Đồng, nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Tại đây, những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên được dựng lại nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Festival hoa Đà Lạt
Nhằm tôn vinh người trồng hoa, từ năm 2005, cứ 2 năm một lần thành phố Đà Lạt lại long trọng tổ chức lễ hội mang tên “Festival hoa Đà Lạt”. Sân khấu chính của lễ hội thường được dàn dựng trên mặt nước của lòng hồ Xuân Hương với hàng ngàn diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng tham gia biểu diễn. Ngoài 2 chương trình khai mạc và bế mạc ấn tượng, Festival hoa Đà Lạt còn có các chương trình đặc sắc và phong phú khác như: hội chợ triển lãm hoa, diễu hành hoa trên đường phố với nhiều hoa lớn nhỏ, hội chợ thương mại, lễ hội tình yêu và lễ cưới tập thể của những đôi uyên ương từ mọi miền của đất nước, lễ hội rượu vang, chương trình chinh phục đỉnh Langbiang…
Lễ hội trà ở Đà Lạt
Lễ hội trà không chỉ là ngày hội lớn gắn với niềm tự hào của những người làm trà mà còn là dịp để các làng trà, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực trà trong cả nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, quảng bá thương hiệu. Đây còn là môi trường thuận lợi về hợp tác đầu tư để ngành trà Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đi du lịch Lâm Đồng, du khách không nên bỏ qua cơ hội tham gia lễ hội lớn này và thưởng thức những tách trà thơm ngon.
Làng nghề truyền thống
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sức hút của Du lịch Lâm Đồng còn đến từ nét đẹp trong văn hóa đa sắc, trong đó có làng nghề và nghề truyền thống. Du lịch làng nghề đang góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, giúp du khách nhận diện đầy đủ, rõ ràng hơn về đất và người Lâm Đồng.
Làng rượu vang Đa Thiện
Rượu vang Đa Thiện được làm từ quả dâu - loại quả đặc trưng của xứ lạnh Đà Lạt. Từng quả dâu chín mọng được chọn lọc tỉ mỉ và ngâm ủ theo một công thức đặc biệt để thành mật dâu sánh quyện. Từng chùm dâu đen thẫm, cuộn xoắn như chùm nho nhỏ xíu. Qua những bàn tay khéo léo cùng công thức gia truyền, từ những nguyên liệu tự nhiên, các nghệ nhân đã chiết xuất nên thức uống thơm ngon tuyệt diệu. Đến với làng nghề rượu vang Đa Thiện, du khách được trực tiếp tham quan quá trình ủ mật dâu, chiết xuất để làm nên những giọt rượu vang đặc trưng có vị ngọt ngào, hơi chua và thơm lừng, giữ được lâu mà không cần chất bảo quản.
Làng dệt thủ công mỹ nghệ Lâm Đồng
Lâm Ðồng từng được biết đến với các sản phẩm dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi tiếng nhất trong nghề dệt ở Lâm Ðồng chính là làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơ C (xã Lát, huyện Lạc Dương) và làng nghề K’Long (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng). Các sản phẩm chủ yếu được bày bán ở các điểm tham quan du lịch và các khách sạn trong, ngoài tỉnh.
Làng nghề làm nhẫn bạc của người Chu Ru
Làng Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Lạc Dương là ngôi làng còn lưu giữ nghề đúc bạc Chu Ru. Để có được một cặp nhẫn cưới, người nghệ nhân phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều công đoạn tỉ mỉ mà không phải ai cũng có thể làm được. Những chiếc nhẫn srí, sra sẽ là món trang sức hay quà tặng vô cùng độc đáo dành cho bạn bè và người thân.
Ẩm thực
Giữa những bộn bề hối hả của cuộc sống thường nhật, của khói bụi thành phố, có người tìm về với Đà Lạt chỉ để lặng im nghe những tiếng gió reo giữa đồi thông bạt ngàn, hít hà tách trà nóng hay nhâm nhi miếng bánh chuối thơm phức. Chắc bởi sự bình yên, dung dị ấy mà ẩm thực Đà Lạt luôn đậm đà khó quên trong lòng du khách. Là vùng đất hội tụ nhiều cư dân Bắc - Trung - Nam đến sinh sống, ẩm thực Đà Lạt có sự pha trộn độc đáo giữa ẩm thực của các vùng, miền trong cả nước. Đến nơi đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn đã trở thành thương hiệu của vùng đất này như: hồng giòn Đà Lạt, chuối Laba (còn gọi là chuối tiến vua), trà Bảo Lộc - được mệnh danh là “Kinh đô trà hương” thời Pháp thuộc, atisô, dâu tây Đà Lạt… Ngoài ra, đến với thành phố Đà Lạt, du khách cũng có thể thưởng thức nhiều món đặc sản khác như: nem nướng, bánh tráng nướng, chả ram bắp, bánh mì xíu mại… mỗi món ăn đều mang nét đặc trưng của mảnh đất cao nguyên hùng vỹ, khiến du khách nhớ mãi.
T.T