|
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo |
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang phát triển nhanh dần và có dấu hiệu phục hồi. Các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng bước đầu đã phát huy tác dụng, nhiều công trình, dự án quan trọng đang được tập trung đầu tư. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,9% so với 6 tháng đầu năm 2008. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,48%; khu vực dịch vụ tăng 5,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp của 6 tháng đầu năm 2009 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó công nghiệp khai thác tăng 8,6%, chủ yếu nhờ sản lượng dầu thô khai thác tăng mạnh; công nghiệp chế biến tăng 4,4%; công nghiệp điện, ga và nước tăng 8,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tế ước tính đạt 547,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2008. Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009 ước tính giảm 19,1% so với cùng kỳ; trong đó khách đến từ Trung Quốc giảm 39%; Hoa Kỳ giảm 4,2%; Hàn Quốc giảm 19,9%; Nhật Bản giảm 9,7%; Đài Loan giảm 17,3%; Australia giảm 7,8%. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tế ước tính đạt 322,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt thấp, tính đến 19/6/2009 đạt 8,9 tỷ USD, giảm 77,4% so với cùng kỳ năm 2008. Thu hút vốn ODA đến ngày 16/6/2009 đạt 1.783 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/6/2009 bằng 43,9% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2009 ước tính đạt 40,2% dự toán năm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 29,7 tỷ USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 10,27% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2009, nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của đất nước được tổ chức. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2008-2009 là 83,7%; trung học bổ túc là 38,1%. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2008 - 2009 cả nước có 1675,7 nghìn sinh viên đại học, cao đẳng, tăng 4,5% và 628,8 nghìn học sinh trung cấp chuyên nghiệp, tăng 2,3%. Trong 6 tháng đầu năm 2009, thiên tai xảy ra đã làm 47 người chết và mất tích; hơn 400 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, gần 15 nghìn ngôi nhà bị sạt lở; 5 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Ước tính trị giá thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm 2009 gần 300 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay khẳng định, Việt Nam đã nhận định đúng tình hình, đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn và đánh dấu sự thành công bước đầu trong chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương; đồng thời thể hiện sự nỗ lực bền bỉ và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở sản xuất và của toàn dân. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2009, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 9/01/2009 của Chính phủ, cần chú trọng một số vấn đề: cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường công tác quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng chiến lược; triển khai nhanh, đúng mục đích, đúng đối tượng các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ; tập trung nỗ lực khai thác và phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn; tiếp tục thực hiện chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội bền vững; có biện pháp kiên quyết, đủ mạnh và hiệu quả trong việc khắc phục và phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người, cây trồng và vật nuôi; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, tập trung tháo gỡ vướng mắc để đưa các chương trình, chính sách và giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả cao.
Bài và ảnh: HD