![](/FileManager/mypicture/thuyen-cau-muc-tap-nap-o-xa.jpg) |
Thuyền câu mực tấp nập ở xã Lai Sơn |
Vì vậy, Kiên Hải có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch như: nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao dưới nước, leo núi, cắm trại dã ngoại…
Kiên Hải có nhiều bãi đẹp và sạch như: Hòn Mấu (Nam Du), Bãi Bàng (Lại Sơn), Bãi Chén (Hòn Tre), Bãi Ngự (An Sơn)… Xa khơi là Hòn Củ Tron, Hòn Ngang, Hòn Dầu… những tiểu đảo bên trong quần đảo Nam Du góp phần tô điểm cho bức tranh toàn cảnh hoành tráng của biển cả…
Điểm dừng chân đầu tiên của du khách là xã Hòn Tre, trung tâm huyện lỵ Kiên Hải, cách TP. Rạch Giá 30km. Khi hoàng hôn buông xuống, nhiều đoàn tàu đánh cá nối đuôi nhau cặp cảng làm tăng thêm vẻ sinh động của đảo Hòn Tre náo nhiệt.
Không chỉ sống đơn thuần bằng nghề đi biển, người dân xã Hòn Tre còn kết hợp canh tác nông nghiệp với dịch vụ để cải thiện đời sống, cơ sở vật chất từng bước được nâng lên. Hòn Tre cũng là xã đầu tiên trong tỉnh xây dựng được thư viện điện tử.
Trước đây, Hòn Tre có tên là Traksu nhưng dân địa phương quen gọi là đảo Rùa, Gia Định thành thông chí ghi là đảo Tre. Từ Hòn Tre sang Lại Sơn (còn gọi là Hòn Sơn Rái , hoặc nói tắt là Hòn Sơn) có thể đi tàu cao tốc giá 42 ngàn đồng hoặc rẻ hơn có thể đón tàu sắt với giá 25ngàn đồng.
Trước đây, Lại Sơn có tên là Tanasou. Theo Địa bạ triều nguyễn, đến năm 1819 - 1820, đảo này chỉ có một thôn có người sinh sống nên còn gọi là San Du thôn (hiện nay là Bãi Nhà) thuộc huyện Long Xuyên, trấn Hà Tiên. Mỗi ngày Lại Sơn thu hút hàng trăm lượt người đến câu cá. Loại cá nhỏ như lia thia biển sát gành đá để ăn, các loại cá khác như cá hường đém, cá mú, người câu thường mang ra chợ bán đổi gạo hoặc mua sắm các vật dụng gia đình.
Xa hơn, ngoài khơi, nếu có thời gian, du khách có thể theo chân đoàn ngư phủ xem đánh lưới bắt cá cơm hoặc dong thuyền xem bắt mực bằng ốc voi. Ốc voi là một đặc sản của vùng này, thịt giòn ngọt, luộc lên trộn với bắp cải hoặc chuối cây làm món gỏi, giá bán 30 ngàn đồng một ký. Mười năm trước vỏ ốc voi thường đổ bỏ nhưng vài năm trở lại đây vỏ của nó bán giá 3.500 đồng/con, bà con ngư phủ mua về kết với dây đen làm lưới đánh bắt mực, thật là “nhất cử lưỡng tiện”.
Ngày hôm sau khách sẽ được tham quan doanh nghiệp sản xuất nước mắm hòn Sơn Rái, thăm miếu thờ bà Chúa Hòn, đình thờ Nguyễn Trung Trực và Nam Hải Đại tướng quân, tắm biển ở Bãi Bàng, một vùng bãi biển cát trắng, nước biển sạch, xanh trong màu ngọc bích.
Khu du lịch sinh thái biển Bãi Chén có diện tích 4,9ha, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng do Công ty Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà Kiên Giang đang thực hiện. Dự án phát triển du lịch sinh thái biển khu vực Bãi Bàng, xã Lại Sơn và Bãi Chén, xã Hòn Tre đã được giao đất, chuẩn bị thi công rộng 20ha, trong đó có 10ha đất liền và 10ha mặt nước; gồm nhiều hạng mục công trình như xây dựng 40 căn nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng cầu dẫn, cảng, cây xanh, dịch vụ lặn, bể chứa nước suối, bè nuôi cá nước mặn, khu lướt sóng và các trò chơi dưới nước…
Trong chương trình phát triển du lịch huyện Kiên Hải đến năm 2010, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Khu du lịch Bãi Giếng, xã Lại Sơn có quy mô 40 - 60ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm 50%. Khu vực này vừa xây dựng đập chắn sóng, kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch.
Tương lai không xa, khi đường bê tông 2 xã được hoàn thành cùng với những khu du lịch được xây dựng xong sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với huyện đảo Kiên Hải.
Nguyễn Hà Phương