VQG Núi Chúa được xem là nơi du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Không những thế, đây còn là nơi được các sinh viên trong và ngoài nước lựa chọn là địa điểm nghiên cứu khoa học.
Hàng năm ước tính có khoảng 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chủ yếu vịnh Vĩnh Hy và xem san hô trên biển nhờ độ trong suốt của nước cao (tầm nhìn thấy được dưới mặt nước > 10m), bờ biển chưa khai thác và phong cảnh đẹp nên vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch sinh thái.
Hệ sinh thái biển phong phú
Phần diện tích trên biển thuộc VQG Núi Chúa được nằm trong hệ thống bảo tồn biển bởi Quyết định 742/20010/QĐ-TTg, ngày 25/5/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. VQG Núi Chúa được thành lập tại Quyết định số 134/2003/QĐ-TTg, ngày 09/7/2003, chuyển từ Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa thành VQG Núi Chúa, với tổng diện tích 29.865 ha, trong đó, diện tích đất liền: 22.513 ha; diện tích biển: 7.352 ha; diện tích vùng đệm: 7.350 ha. Phía Bắc giáp với Khánh Hòa, phía Nam giáp với tỉnh lộ 702, phía Đông giáp với biển Đông, phía Tây giáp với quốc lộ 1A. VQG Núi Chúa là một trong sáu VQG trên toàn quốc vừa có diện tích đất liền và diện tích mặt biển. Chính vì vậy, VQG Núi Chúa không những có giá trị bảo tồn tài nguyên rừng mà còn có giá trị bảo tồn tài nguyên biển. Tài nguyên rừng ở đây rất phong phú và đa dạng với diện tích rừng khô hạn rộng lớn, đặc trưng, độc đáo của Việt Nam; và diện tích rừng thường xanh cây lá rộng xen kẽ cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu á nhiệt đới ẩm còn mang tính chất nguyên sinh. Hệ sinh thái biển bao gồm: rạn san hô gần bờ, bãi rùa đẻ, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các bãi cát ven biển. Hệ sinh thái san hô gần bờ là nơi sinh sống và trú ngụ của nhiều loài sinh vật biển. Bên cạnh đó, hệ sinh thái cỏ biển thuộc vùng triều tạo nên sinh cảnh độc đáo cho VQG Núi Chúa. Ngoài ra, năm 2003, WWF đã xác định có 3 loài rùa biển quý hiếm là rùa xanh Chelonia mydas, đồi mồi Eretmochelys imbricata và quảng đồng Caretta caretta là những đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng đến kiếm ăn và sinh sản tại vùng biển thuộc VQG Núi Chúa. Mặc khác, vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận là nơi giao thoa của hai dòng hải lưu chạy sát bờ là dòng hải lưu lạnh chạy từ phía Bắc xuống và dòng hải lưu nóng từ phía Nam lên; chính điều này đã làm cho vùng biển nơi đây rất giàu chất dinh dưỡng; là nơi sinh sống và di cư của rất nhiều loài thủy sản. Vùng biển Núi Chúa (Ninh Hải) nằm ở vùng có hiệu ứng mạnh của nước trồi. Nhiệt độ thấp vào mùa hè là điều kiện lý tưởng để san hô tạo rạn chống chịu với nhiệt độ cao trong mùa hè do sự ấm lên của nước biển trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, bảo tồn rạn san hô ở đây không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn mang tầm quốc tế.
Bên cạnh sự đa dạng và phong phú về nguồn tài nguyên, VQG Núi Chúa còn có nhiều loài động thực vật quý hiếm. Chính vì vậy, công tác bảo tồn được xem là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh việc bảo tồn tài nguyên rừng, VQG Núi Chúa còn thực hiện chức năng bảo tồn các loài sinh vật biển trong phạm vi vùng biển được giao quản lý. Tuy nhiên, hiện trạng bảo tồn và phát triển các giá trị tài nguyên biển ở VQG Núi Chúa còn nhiều điều đáng quan tâm cần đầu tư thích đáng. Chất lượng môi trường biển đang bị suy thoái do bị ô nhiễm chất thải sinh hoạt và các hóa chất. Việc khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức và hủy diệt, phá hủy các hệ sinh thái vẫn tiếp tục diễn ra, làm suy giảm nhanh chóng và mất khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo kết quả điều tra gần đây, nguồn lợi thủy sản gần bờ hiện đang suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động đánh bắt của con người. Việc cấp bách hiện nay là cần củng cố và phát triển khu bảo tồn biển (KBTB) đang còn nhiều khó khăn, chưa có mô hình quản lý bền vững tài nguyền, gắn với việc bảo tồn và khai thác sử dụng các nguồn lợi tự nhiên.
Quy mô - ranh giới và phân khu chức năng
Phân bố và hình thái rạn san hô
Theo kết quả nghiên cứu về hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam năm 2011, rạn san hô tại Núi Chúa được xem là phong phú về phân bố, đa dạng nhất về hình thái và cấu trúc so với các vùng biển khác ven bờ Ninh Thuận. Tổng diện tích ước tính cho các rạn san hô hiện tại lên đến 2.330 ha. (được ghi nhận là nơi có rạn san hô lớn nhất Việt Nam). Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, rạn san hô nói chung sẽ bị đe dọa và có nguy cơ bị tàn phá. Tuy nhiên, tại vùng biển VQG Núi Chúa nằm trong vùng biển có hiệu ứng nước trồi, nên việc thích ứng với biến đổi khí hậu là rất lớn, nơi đây có thể được xem là nơi lưu giữ các quần thể san hô khi có hiện tượng biến đổi khí hậu tác động vào các khu vực khác của Việt Nam và Đông Nam Á.
Độ phủ san hô cứng dao động từ 11,3 đến 55,9%, trung bình 30,7 ± 17,2%, trong đó các giống san hô ưu thế là Acropora, Montipora, Porites, Hydnophora, Favites, Merulina và Simularia.
Cấu trúc rạn san hô chủ yếu thuộc vào kiểu rạn riềm điển hình và không điển hình, trong đó dạng riềm điển hình là chủ yếu. Dạng riềm điển hình phân bố ở vùng ven bờ Thái An, Mỹ Hòa, Mỹ Tân, Mỹ Tường. Vào những khi triều xuống rạn san hô ở các khu vực này phơi ra một bãi triều rất rộng, có nơi có thể kéo dài đến 500 - 800m. Hình thái rạn tương đối phức tạp và đa dạng với các tập đoàn san hô phân bố từ mức triều thấp cho đến độ sâu khoảng trên 20m. Mặt bằng rạn thoải và kéo dài, có nơi kéo dài trên 1km. Điều đặc biệt cần chú ý là dấu vết của quá trình phát triển rạn san hô trong lịch sử địa chất còn được lưu giữ ở nhiều khu vực trên dải ven biển, nhiều nhất là ở khu vực Hang Rái.
Đa dang sinh học
Cho đến nay, 334 loài san hô, trong đó có 308 loài thuộc 15 họ, 59 giống san hô tạo rạn, 16 loài san hô mềm, 6 loài san hô sừng, 3 loài thủy tức san hô và 1 loài Zoanthid đã được xác định. Điều này cho thấy rạn san hô vùng biển ven bờ Ninh Hải thuộc vào vùng có tính đa dạng rất cao về thành phần san hô tạo rạn.
Thực vật biển trên rạn bao gồm 188 loài rong biển thuộc 4 ngành, 86 chi và 32 họ trong đó ngành Rong đỏ Rhodophyta có số lượng loài phong phú nhất (79 loài). Trên các rạn san hô vùng Mũi Thị - Mỹ Hòa, cỏ biển mọc xen lẫn trên nền đáy cát và san hô chết tạo nên tính liên kết sinh thái với rạn san hô. Ba loài Enhalus acoroides, Thlassia hemprichii và Cymodocea roundata dược ghi nhận là chiếm ưu thế.
Thành phần sinh vật trên rạn cũng khá đa dạng với trên 147 loài thuộc 81 giống và 32 họ cá san hô đã xác định, trong đó họ cá bàng chài Labridae (30 loài), họ cá thia Pomacentridae (24 loài), họ cá bướm Chaetodontidae (18 loài), họ cá Scaridae (11 loài) và họ cá đuôi gai Acanthridae (8 loài) là những họ cá có số lượng loài phong phú nhất. Mật độ cá trên các rạn dao động từ 172 đến 1.984 cá thể, trung bình 628 ± 561,6 cá thể/500m2. Các loài cá có kích thước 11 - 20cm thuộc các họ cá đuôi gai, cá mó, cá phèn, cá đổng thường được bắt gặp trong khu vực này. Một số loài thường tập trung thành từng đàn với số lượng từ 50 - 100 con/loài, có khi lên đến vài trăm con như cá dìa Sgamus spinus, cá thia Chromis atripectoralis và Pomacentrus chrysurus, cá đuôi gai Acanthurus nigrofuscus.
Thành phần thân mềm trên rạn đã ghi nhận 115 loài thuộc 3 lớp chân bụng (83 loài), hai mảnh vỏ (31 loài) và song kinh (1 loài). Các họ ốc cối Conidae, ốc mặt trăng Turbidae và ốc nhảy Strombidae, ốc sứ Cyraeidae, ốc gai Muricidae và ốc đụn Trochidae là những họ có số lượng loài tương đối cao. Mật độ của các loài thân mềm kích thước dao động từ 5 - 21 con, trung bình 11 ± 5,9 con/400m2 trong đó chủ yếu là các loài thân mềm đục lỗ có kích thước bé và không có giá trị. Trai tai tượng được xem là còn phổ biến nhất nhưng mật độ của các loài này chỉ ghi nhận được từ 0,5 - 2,0 con/400m2 và chủ yếu là loài Tridacna crocea sống trong đá và các khối san hô kích thước lớn.
80 loài giáp xác thuộc 53 giống, 20 họ và 5 bộ được xác định, trong đó bộ Decapoda có số loài nhiều nhất (chiếm đến 86,3% số loài). Một số loài tương đối phổ biến và thường gặp với tầng suất cao bao gồm Leptocheliasp, Cyathura sp. Và Apseudesgallardoi. Thành phần da gai bao gồm 13 loài, 8 giống và 8 họ, trong đó các loài Ophiocoma scolopendrina, Holothuria sp và Phyllophorus erinaceus phổ biến trên vùng triều san hô chết. Bước đầu cũng đã ghi nhận được 60 loài thuộc 22 họ giun nhiều tơ trên các bãi riều, trong đó có các loài Ceratoneris mirabilis, Nematonereis unicornis và Typosyllis sp. xuất hiện với tần suất cao.
Ở các rạn san hô này, nhiều loài đã được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam, một vài trong số đó được coi là độc đáo hay hiếm trên thế giới (DeVantier, 2003; Nguyen et al, 2005). Những quần thể san hô này cho thấy sự khác biệt đáng kể về cơ cấu loài và cấu trúc quần thể so với những quần thể ở miền Bắc và miền Nam, do vậy nó có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một đại diện cho mạng lưới KBTB quốc gia và khu vực. Các rạn san hô này cũng hỗ trợ những quần thể san hô có tầm quan trọng của khu vực về mặt duy trì và bổ sung, đáng lưu ý là sự đa dạng của các tập hợp san hô thuộc giống Montipora.
Bãi rùa đẻ
VQG Núi Chúa là một trong những bãi đẻ và lớn lên của rùa hiếm hoi còn lại vùng ven bờ của đất liền ở Việt Nam. Một số bãi cát nhỏ bao gồm bãi Ngang, bãi Thịt, bãi Móng Tay là những nơi làm tổ của rùa biển. Những bãi biển của VQG Núi Chúa là một trong những bãi làm tổ ở vùng lục địa quan trọng nhất của rùa biển có nguy cơ bị tuyệt chủng trong khu vực và toàn cầu như: Chelonia mydas, Eretmochelys imbricata và Caretta caretta. Một số loài khác bao gồm trai tai tượng Tridacna squamosa và Tridacna crocea, ốc đụn (Trochus niloticus) cũng nằm trong danh sách bị đe dọa, có nguy cơ bị tuyệt chủng ở cấp quốc gia hoặc toàn cầu.
Nguy cơ suy thoái môi trường
Kết quả khảo sát các rạn san hô vùng ven bờ Ninh Hải từ năm 2011 cho thấy phần lớn các rạn san hô có mức độ che phủ khá cao, tuy nhiên nó không còn trong tình trạng tốt như trước đây. Nguồn lợi sinh vật rạn đã bị khai thác cạn kiệt với nhiều phương thức khác nhau, cá rạn chủ yếu là nhóm cá nhỏ hơn 20cm. Sự suy giảm về chất lượng của các rạn san hô và nguồn lợi có liên quan tới nhiều nguyên nhân, trong đó khai thác quá mức, đánh bắt hủy diệt và sự bùng nổ của sao biển gai là những nguyên nhân chính.
Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đem lại hiệu quả cho ngành điện nhưng có thể tác động xấu đến môi trường tự nhiên ở đây mà chưa được kiểm tra và đánh giá. Nhà máy sắp được xây dựng nằm trên bãi Ngang, sát Bãi Thịt là nơi rùa biển thường lên bãi đẻ trứng và nằm trong vùng bảo tồn rạn san hô thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của KBTB.
Một số giải pháp đề xuất phát triển du lịch sinh thái biển bền vững
Xây dựng cơ chế chính sách và quy hoạch phân vùng chức năng sinh thái mặt nước vịnh Vĩnh Hy.
Gắn việc bảo vệ tài nguyên với việc phát triển sinh kế cho chính những người trực tiếp tham gia, các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi quy chế phân vùng bảo tồn như:
Tăng cường giáo dục và nhận thức của cộng đồng cư dân trong vùng đệm được nâng lên rõ rệt nhờ chú trọng công tác tuyên truyền bằng các hình thức như: Diễn kịch, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về bảo tồn biển giữa các trường học, liên hệ với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) xin các tác phẩm tuyên truyền phát cho các em học sinh, và người dân địa phương. Thực hiện các mô hình đồng quản lý sử dụng tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi rong biển (rong biển đóng vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, là nơi trú ngụ và là bãi đẻ rất quan trọng cho nhiều động vật biển có giá trị kinh tế như tôm, cua, cá, mực, cá ngựa). Qua đó, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo tồn biển đối với sự bền vững về du lịch và sinh kế của cộng đồng địa phương.
Xây dựng được các nhóm nòng cốt bảo tồn tài nguyên có uy tín trong các thôn, hoạt động có hiệu quả, là hạt nhân trong công tác truyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên và phát triển bền vững.
Hỗ trợ kinh phí cho dân cư mua xe chở rác và xây dựng nhà vệ sinh cho cộng đồng sống ven biển, xây đựng bến đỗ xe, cẩu tàu, nhà vệ sinh công cộng tại thôn, thùng rác di động, nhà vệ sinh cho ngư dân sống trong khu bảo tồn biển tại vịnh Vĩnh Hy và xây dựng mô hình nuôi dông cát, mô hình nuôi cừu cho các đội tình nguyện viên bảo vệ san hô và rùa biển.
Xây dựng các mô hình phục hồi nguồn lợi thủy sản Hòn Khói, mô hình phục hồi nguồn lợi thủy sản và bảo tồn rùa biển Bãi Thịt.
Xã hội hóa bảo vệ môi trường: Phối hợp vói các Cơ quan nghiên cứu, các Tổ chức xã hội như WWF, GEF, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Viện sinh học nhiệt đới, triển khai dự án “Phát triển Du lịch sinh thái cộng đồng như một sinh kế thay thế nhằm bảo tồn rạn san hô tại tỉnh Ninh thuận”, tổ chức cho cộng đồng dân cư các thôn thực hiện mô hình du lịch sinh thái.
Quảng bá và truyền thông trên các mạng thông tin và báo chí về sự đa dạng và phong phú về tài nguyên rừng và biển đã tạo nên nhiều tiềm năng du lịch tại VQG Núi Chúa. Nơi đây được biết đến với nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ treo; suối Nước Ngọt, suối Kiền Kiền, suối Lồ Ồ, suối Tiên, vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Bình Tiên, bãi Kinh, rạn san hô tại Mỹ Hiệp và thảm cỏ biển...
Dư Văn Toán
(Tạp chí Du lịch)