Với ý nghĩa vừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách, vừa quảng bá những nét đẹp truyền thống quý giá đến du khách trong và ngoài nước, Lễ hội Katê năm 2020 gồm: phần lễ do các chức sắc người Chăm Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành và thực hiện; phần hội với các trò chơi, hội thi, hội diễn, giới thiệu các nghề thủ công truyền thống, diễn xướng nghệ thuật dân gian Chăm.
Mở đầu là nghi lễ Tống ôn do các chức sắc người Chăm Bàlamôn (Hàm Thuận Bắc) thực hiện và nghi lễ cúng cầu an do các chức sắc tôn giáo người Chăm Bàni (Hàm Thuận Bắc) thực hiện tại tháp chính (tháp A). Lễ chính diễn ra vào sáng 16/10 (1/7 Chăm lịch) với nghi thức khai mạc và nghi lễ Nghinh rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính. Đoàn rước gồm các chức sắc tôn giáo người Chăm Bàlamôn và Bàni, đội múa, đội nhạc lễ dân gian Chăm, bà con người Chăm các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, đại biểu, nhân dân địa phương và du khách. Tiếp theo là nghi lễ mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và đại lễ cúng tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các vị thần tại tháp chính.
Phần hội sẽ diễn ra liên tục trong 2 ngày của lễ hội với các hoạt động như: hội thi giã gạo, thổi kèn Saranai, hội thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư, chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra vào tối 15/10 do Đội văn nghệ dân gian Chăm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh biểu diễn. Ngày 16/10 sẽ liên tục diễn ra các trò chơi dân gian như đội nước vượt chướng ngại vật, đi cà kheo, đẩy gậy, đập niêu và trình diễn các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, tại tháp Pô Sah Inư còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu những hình ảnh du lịch, văn hóa, lễ hội, di tích, sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh Bình Thuận có người Chăm sinh sống.
Nguyên Vũ