Huyền thoại chợ tình để lại, xưa có một gia đình nông dân nghèo người Nùng ở bản Khau Vai có 3 người con trai đã đến tuổi trưởng thành. Người con trai út được gọi là chàng Ba, hát hay, khèn giỏi lại chăm chỉ ruộng nương. Tiếng khèn, tiếng hát của chàng Ba làm biết bao cô gái gần xa đem lòng thương nhớ. Ở nhà tộc trưởng người Giáy làng bên có nàng Út xinh đẹp như hoa rừng cũng đến tuổi cập kê. Tiếng hát của nàng Út trong trẻo vút cao bay qua bao ngọn núi, con sông. Chàng Ba gặp nàng Út qua tiếng hát giao duyên mỗi mùa trăng đến. Họ yêu nhau say đắm. Tình yêu của đôi trai gái được ví như tình yêu của trời và đất.
Nhưng đôi trai gái không được cha mẹ và dòng họ hai bên cho phép, vì không cùng phong tục. Con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ. Đôi trai gái đã bỏ bản, bỏ gia đình, trốn lên đèo Mây để được bên nhau. Vì chưa có lễ ăn hỏi, chưa có cưới xin, chưa làm lễ nhập ma, nên chàng Ba và cô Út vẫn chưa thể sống chung cùng một mái nhà. Họ dựng hai túp lều gần sát với nhau để sáng ngủ dậy được nhìn thấy nhau, đêm về hát cho nhau nghe về tình yêu thương đôi lứa…
Cuộc chiến giữa hai dân tộc Nùng và Giáy đã diễn ra bởi mối tình giữa chàng Ba và cô Út. Đứng trên đèo Mây, đôi trai gái đã nhìn thấy hết những gì mà người thân của họ đang làm. Thương cha, thương mẹ, thương dân hai làng, chàng Ba và cô Út ngậm ngùi chia tay, trở về nhà.
Đôi trai gái đã hẹn thề. Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến đêm ngày 26/3 (ngày họ chia tay) lại lên đèo Mây sửa sang lại hai túp lều và hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa cách… Họ tâm tình, ca hát hết đêm, để rồi khi mặt trời lên, họ lại chia tay, trở về bản cùng hương vị ngọt ngào của tình yêu muôn thuở.
Thời gian trôi đi, đôi trai gái năm nào cũng đã trở thành người già trong bản. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 26/3. Dân làng đã dựng ở chân đèo Mây hai ngôi miếu thờ là miếu Bà và miếu Ông để tưởng nhớ về mối tình trai gái của Chàng Ba và Nàng Út, chợ tình Khau Vai và hội miếu ông, miếu bà cũng có tự ngày ấy.
Rồi người đi Chợ tình Khau Vai hàng năm là để gặp lại người yêu cũ, cùng uống rượu và tâm sự, ôn lại những tình cảm đã xa. Đã thành tục lệ, người vợ không ghen chồng và người chồng cũng không ghen vợ khi băng đèo lội suối đến với chợ tình Khau Vai. Đêm chợ tình, ai cũng mong cho trời đừng sáng.
Chợ tình nay còn là nơi hò hẹn của những đôi trai gái. Họ tìm về phiên chợ để hẹn hò, tán tỉnh, hát cho nhau nghe những bài hát giao duyên, thổi cho nhau nghe một điệu khèn lả lướt. Những chàng trai cô gái cùng say men rượu, men tình. Để rồi khi rượu đã vơi, chiều đã tàn, họ cùng dắt nhau đến bên bờ suối, người con trai lấy khèn thổi cho người con gái nghe để hiểu tấm lòng mình. Người con gái hát cho người con trai tiếng yêu thương.
Chợ tình nay cũng là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc sống trên vùng cao nguyên đá. Vào buổi sáng, người dân địa phương mang hàng về bán trong phiên chợ. Ông Lầu Lỏ Sèo đã hơn 70 tuổi, ở bản Quán Xí, xã Lũng Pù, Mèo Vạc cũng đến chợ cùng vài người bạn cao tuổi. Mỗi năm ông đều đến chơi chợ tình, uống rượu và thăm hỏi bạn bè, bà con. Trước kia khi còn trẻ, ông cùng vợ đã làm quen với nhau cũng ở chợ tình. Khi đã yêu nhau, mỗi năm ông đều cùng vợ về chơi chợ.
Chợ tình giờ không còn là của riêng động đồng các dân tộc quanh vùng Khau Vai. Chợ tình nay là điểm đến cho bất cứ ai yêu nét đẹp văn hóa các dân tộc Cao nguyên đá Đồng Văn. Khách du lịch tới thăm chợ tình Khau Vai không khỏi ngỡ ngàng trước những dáng váy, dáng khăn rực rỡ màu sắc của các cô gái vùng cao xuống chợ. Người đến chơi chợ cứ chơi, người giao lưu bên bàn rượu cứ say men rượu, nam nữ tự tình vẫn tìm được cho mình những khoảnh riêng. Những tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, dìu dặt bổng trầm như lời mời gọi dành cho bất cứ ai tìm về với chợ tình.
Vũ Thanh
(Tạp chí Du lịch)