Tham gia đoàn khảo sát gồm hơn 30 nghệ nhân tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng đông đảo thực khách yêu ẩm thực Việt. Theo kế hoạch, ngày 25-26/3, đoàn khảo sát sẽ khám phá di sản lịch sử và văn hóa ẩm thực Trấn Sơn Nam Hạ với các món ăn dân gian vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng tại Nam Định. Cụ thể, đoàn sẽ về thăm làng nghề phở tại xã Đồng Xa, thưởng thức đặc sản phở; tham quan làng nghề truyền thống tại Nam Trực; tham gia tái hiện nghi lễ dâng cỗ và thi cỗ tại đền Gin. Trong chương trình giao lưu nghệ nhân 3 miền, các nghệ nhân cũng đã tham gia quảng diễn một số món ăn tiêu biểu của địa phương tại khách sạn Nam Cường, Nam Định.
Bên cạnh hoạt động “truy tìm” món ăn tiêu biểu, trải nghiệm văn hóa ẩm thực xứ Thành Nam, các đại biểu cũng đến thăm khu trung tâm văn hóa ẩm thực Nam Định tại bảo tàng Nam Định; thăm di tích cột cờ, và khu nhà cổ giới thiệu phở xưa Nam Định của Hiệp hội ẩm thực Nam Định.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động tại Nam Định là Lễ trao Bằng xác lập: Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021) cho hai món bún đũa và phở bò Nam Định; Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 – 2021) cho sản phẩm kẹo Sìu Châu tỉnh Nam Định của Trung tâm kỷ lục Việt Nam.
Tiếp tục hành trình khám phá ẩm thực Việt, ngày 27 – 28/3, đoàn khảo sát của các nghệ nhân và thực khách sẽ khảo sát một số tuyến điểm du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Tại đây, các nghệ nhân sẽ tham dự cuộc thi Ẩm thực “Mâm cơm chay cúng phật”; quảng diễn một số món ăn chay và cùng tham gia thực hiện kỷ lục “Lá bồ đề làm bằng cơm nắm lớn nhất Việt Nam”; Giao lưu giữa nghệ nhân VCCA với đầu bếp Tam Chúc và Bái Đính.
Ngày 28-29/3 các nghệ nhân sẽ trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa ẩm thực vùng đất Tổ, Phú Thọ. Ngày 29-30/3, đoàn sẽ tham quan, trải nghiệm giao lưu cùng bà con dân tộc Tày, nghệ nhân ẩm thực tại bản làng Thái Hải tại tỉnh Thái Nguyên. Tại đây các nghệ nhân và thực khách sẽ cùng thực hành các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Kết lại hành trình khảo sát là chương trình giao lưu với nghệ nhân ẩm thực Hà Nội vào ngày 31/3.
Theo Ban Tổ chức, chương trình là hoạt động bước đầu khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa ẩm thực, các món ăn, uống tiêu biểu của các vùng miền. Trên cơ sở đó lập đề cử các món ẩm thực đưa vào danh sách lựa chọn của Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Hoạt động cũng nhằm thu thập dữ liệu thực tế để xây dựng Bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam với các món ăn Việt Nam truyền thống và hiện đại.
Chuỗi hoạt động cũng nhằm tạo điều kiện để các thành viên hiệp hội, các nghệ nhân tiếp cận thực tế địa phương, lịch sử và văn hóa của các món ẩm thực, từ đó hiểu rõ hơn giá trị của văn hóa ẩm thực. Ý nghĩa quan trọng hơn của chương trình là việc xác định được vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, ứng dụng vào công việc thực tế và trao truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của nghệ nhân ẩm thực đối với việc tìm kiếm thẩm định các món ẩm thực; từ đó, định hình rõ nét giá trị của từng nghệ nhân trong việc gìn gữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022 – 2024) do VCCA cùng các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực đến từ nhiều vùng miền tìm kiếm, lập danh sách đề cử các món ăn, đồ uống Việt Nam theo khu vực ba miền Bắc, Trung và Nam. Sau khi có đề cử của các nghệ nhân, sự bình chọn của công chúng từ nhiều kênh khác nhau, hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra 100 món ăn, đồ uống đặc sắc của Việt Nam từ nguồn đề cử của các cuộc hành trình từ ba vùng miền cả nước.
Đoàn Hoa