Qua hơn 4 ngày khảo sát, với lịch trình dày đặc cùng điểm đến là những địa danh như: chùa Đại Tòng Lâm - ngôi chùa đạt rất nhiều kỷ lục Việt Nam, nhà Dài Long Sơn, khu du lịch Hồ Cốc, di tích Tàu Không Số trên dòng sông Ray, làng bưởi Tân Triều, tuyến cáp treo núi Bà Rá, khu du lịch Đại Nam… đại diện nhiều đơn vị tham gia đã bày tỏ cảm giác ngạc nhiên, phấn khởi.
Đoàn khảo sát tham quan chùa Đại Tòng Lâm - ngôi chùa đạt nhiều kỉ lục của Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng điều hành Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Tham gia chuyến khảo sát, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ, bởi ngoài biển Vũng Tàu thì khu vực ĐNB còn có rất nhiều điểm du lịch khác khá hấp dẫn với tiềm năng đưa vào để khai thác phục vụ các tour tuyến như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Công ty sẽ nghiên cứu để điều chỉnh lại các tour đã khai thác một cách hợp lý hơn, đồng thời bổ sung những tour mới để quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch ĐNB đến gần hơn với du khách phía Bắc…”. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Luxury Travel cho biết thêm: “Chúng tôi rất phấn khởi khi biết thời gian qua đã có nhiều đơn vị tìm đến ĐNB để đầu tư, phát triển du lịch. Tuy nhiên do thiếu sự chủ động ở khâu quảng bá nên nhiều sản phẩm du lịch tại đây tuy đã định hình nhưng vẫn chưa đến được với khách hàng. Qua chương trình khảo sát, chúng tôi sẽ góp ý cho các đơn vị tại địa phương để họ tìm ra mô hình phát triển phù hợp, đồng thời tăng cường công tác liên kết để quảng bá, thu hút khách tham gia…”
Bên cạnh đó, ông Từ Quý Thành –Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, đại diện các đơn vị lữ hành khu vực phía Nam chia sẻ: “Tôi hy vọng là sau chương trình này, các đơn vị sẽ cùng chung tay, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng ĐNB với chất lượng và mức giá tốt mang tính cạnh tranh cao, thu hút ngày càng nhiều du khách.”
Chia sẻ về cơ hội thông qua chuyến khảo sát, nhiều đơn vị sẽ có những cái bắt tay thật chặt, kết nối tour giữa các miền, tạo ra những sản phẩm mang tầm chiến lực cho khu vực ĐNB.
Năm 2010, toàn vùng đã đón tiếp và phục vụ trên 3,6 triệu lượt khách quốc tế, và 18 triệu lượt khách nội địa với tổng thu đạt trên 31.500 tỷ đồng (chiếm 28% tổng thu nhập du lịch của cả nước). Tuy nhiên, những thành tựu đó hầu như tập trung chủ yếu trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu tạo nên sự chênh lệch cục bộ giữa các địa phương trong vùng. Các địa bàn Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai hầu như phát triển còn tự phát, bị động về thị trường, sản phẩm du lịch chưa phong phú, sức cạnh tranh thấp, tài nguyên và môi trường du lịch suy giảm… Trong đó, Tây Ninh là cửa ngõ thuận lợi về du lịch đường bộ với Campuchia và các nước ASEAN nhưng cho đến nay hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Hội thảo cũng đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà đầu tư, các công ty du lịch đến từ mọi miền đất nước chia sẻ những kinh nghiệm để thúc đẩy du lịch toàn vùng lên tầm cao mới.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương - Trưởng đoàn khảo sát cho biết: “Không dừng lại ở mục đích gắn kết, liên kết các tuyến điểm du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, điểm nhấn của chương trình lần này còn là Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch Tây Ninh và các tỉnh ĐNB với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành hàng đầu, đại diện các Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, các doanh nghiệp du lịch sở tại, các chuyên gia du lịch… Đây là dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ nguyện vọng, cũng như đóng góp những giải pháp để vực dậy và phát triển ngành du lịch ĐNB nói chung và đặc biệt là tỉnh Tây Ninh ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn trong thời gian tới. |
Hoàng Khải