Điểm đến hấp dẫn, nhưng còn không ít "sạn"
Khởi động từ năm 2016, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, sau 3 năm thí điểm, đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng với công chúng Thủ đô và du khách trong, ngoài nước. Dù chỉ mở cửa vào những ngày cuối tuần (từ 19h thứ sáu đến 0h chủ nhật), song lượng khách tham quan, vui chơi thường xuyên ở mức 3.000-5.000 lượt người vào ban ngày và từ 1,5 vạn đến 2 vạn lượt người vào buổi tối.
Sức hút của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cũng góp phần nâng lượng khách du lịch quốc tế lưu trú tại quận Hoàn Kiếm năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016 có hơn 1,3 triệu lượt khách, năm 2017 là hơn 1,9 triệu lượt, năm 2018 là gần 2,2 triệu lượt và 9 tháng năm 2019 là 1,2 triệu lượt (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018). Ông Lê Ngọc Hiền (Công ty Du lịch Tâm Long Travel) cho biết: Ngoài lý do là khu vực trung tâm, thì việc thuận tiện tham quan không gian đi bộ cũng khiến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận luôn được du khách yêu cầu.
Là một trong những biểu tượng về văn hóa, lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, hồ Hoàn Kiếm cùng với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Hòa Phong… đã tạo nên một không gian đậm đặc di sản văn hóa. Không gian này tiếp tục được gia tăng sắc màu bằng hàng trăm sự kiện giao lưu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật, là điểm đến bổ ích cho công chúng và du khách. Bà Comelia Ross, đến từ Australia chia sẻ: "Sau khi tham quan các điểm di sản tại hồ Hoàn Kiếm, việc hòa mình vào không gian đi bộ thực sự mang đến cảm giác thư giãn thú vị. Tôi thấy rất phấn khích với các điệu nhảy đường phố của người dân Hà Nội, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tăng cường giao lưu, kết nối mọi người”.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vẫn còn nhiều “hạt sạn”. Đó là tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, biểu diễn nghệ thuật không phép nhằm mục đích bán hàng hoặc xin tiền, rồi dịch vụ đồ chơi lấn chiếm không gian…, gây phiền toái cho du khách...
Ngoài ra, theo Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động Công an quận Hoàn Kiếm, có gần 80 điểm dừng đỗ, trông giữ phương tiện, nhưng người dân thường đổ dồn về các điểm gần lối giao cắt với không gian đi bộ, như: Hàng Bài, Bà Triệu, Lý Thái Tổ, Hàng Trống…, khiến cung không đủ cầu, làm nảy sinh dịch vụ trông xe tự phát, tùy tiện nâng giá. “Đã có hàng trăm trường hợp trông, giữ xe không đúng quy định bị xử phạt, với mức thấp nhất là 2,5 triệu đồng/trường hợp”, Trung tá Nguyễn Thành Công thông tin.
Tương tự, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm Đặng Sỹ Đạt cho biết, do lực lượng của cơ quan chức năng mỏng, cộng với hoạt động biểu diễn chui, chèo kéo khách… diễn ra chớp nhoáng, nên việc xử lý chưa được triệt để.
Mở rộng không gian, tăng cường quản lý
Để nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu quận Hoàn Kiếm khẩn trương làm rõ, có giải pháp khắc phục những tồn tại nêu trên, làm cơ sở đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cho kết thúc giai đoạn thí điểm và chuyển sang chính thức triển khai. Một trong những nhiệm vụ mà UBND thành phố giao quận Hoàn Kiếm là hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ, kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, liên kết 2 khu vực này thành một chỉnh thể.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện phương án, trước mắt sẽ thực hiện tại 5 tuyến phố, gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu và 2 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên. Việc mở rộng, kết nối 2 không gian đi bộ sẽ góp phần bổ trợ chức năng vui chơi, giải trí, ẩm thực trong khu vực, đặc biệt là giảm áp lực đông người vào thời gian cao điểm.
Nhằm công tác quản lý không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hiệu quả hơn, quận Hoàn Kiếm cũng đã hoàn thiện Quy chế quản lý, hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, là cơ sở để xử lý những vi phạm trong khu vực; tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở kết hợp lắp đặt camera giám sát tại nhiều khu vực. “Hiện quy chế này đang trong giai đoạn thẩm định, xem xét, bổ sung để trình UBND thành phố”, ông Phạm Tuấn Long cho biết.
Quận Hoàn Kiếm cũng đang phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố thực hiện khảo sát, để có phương án tổ chức giao thông và bố trí các điểm trông giữ xe hợp lý. Bên cạnh đó, công tác cải tạo chiếu sáng, duy trì cây xanh, thảm cỏ, bổ sung ghế ngồi công cộng, quản lý máy bán hàng tự động, máy lọc nước theo hình thức kêu gọi xã hội hóa... sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.
Trao đổi về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là xu hướng tất yếu để giới thiệu một trong những điểm đến đặc sắc của Hà Nội. Do đó, các ngành chức năng thành phố và quận Hoàn Kiếm vẫn rất cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tham gia không gian văn hóa nêu cao ý thức, ứng xử văn minh, có hành động đẹp. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa những chương trình có chất lượng vào phục vụ công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Trong 3 năm thí điểm (2016-2019), tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã diễn ra hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng và ấn tượng. Trong đó có 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn, thu hút được sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố trong nước và 29 đại sứ quán, tổ chức quốc tế. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm duy trì thường xuyên 7 điểm biểu diễn cố định; cấp 61 thẻ hoạt động văn hóa nghệ thuật cho các tổ chức, cá nhân; vận động 53 cửa hàng chuyển đổi mặt hàng kinh doanh phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
|
Nguồn: hanoimoi.vn