.jpg)
Người dân và du khách đến với Hội chợ VITM Hà Nội 2022 đa số có chung cảm nhận rất ấn tượng về không gian trưng bày của các doanh nghiệp lữ hành và các địa phương.
Từ cổng vào, gian hàng của các doanh nghiệp lữ hành lớn không chỉ mang nét đặc trưng riêng mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa, nổi bật nhất, như Hanoitourist, Vietravel, Saigontourist, Flamingo Redtours….
.jpg)
Đại diện cho doanh nghiệp du lịch Thủ đô, không gian trưng bày của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) với ý tưởng kết nối du lịch các miền của Tổ quốc và điểm đến Hà Nội. Đơn vị này đã chọn Khuê Văn Các là tâm điểm nổi bật của gian hàng. Đồng thời, hình ảnh của Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) đã tạo điểm nhấn cho không gian trưng bày. Bên cạnh đó, còn có không gian trưng bày, quảng bá du lịch Thủ đô của Trung tâm xúc tiến Du lịch Hà Nội. Tại đây có đặt các quầy thông tin, giới thiệu về các điểm đến, các di tích danh thắng của Thủ đô, nổi bật là Văn Miếu - Quốc tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây.
Đến đây, ngoài việc được tìm hiểu về các di tích, danh thắng nổi tiếng của Thủ đô, khách còn được nghe giới thiệu và thưởng thức nét văn hóa, giá trị của các di sản, thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của đất Hà Thành.
Cùng với Hà Nội, các điểm đến du lịch lớn của đất nước như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Kiên Giang… có không gian trưng bày cũng hết sức độc đáo, giới thiệu nét văn hóa, du lịch, tham quan, trải nghiệm ẩm thực, mang đậm nét đặc trưng của mỗi vùng, miền.
Ngoài hình ảnh mang biểu trưng, dấu ấn về văn hóa, du lịch của mỗi địa phương, điểm nhấn văn hóa còn có không gian trưng bày mô hình di tích, danh thắng, tiêu biểu như mô hình không gian văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc, điểm đến hấp dẫn của du lịch Hà Nam.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Phòng truyền thông khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam cho biết: Hội chợ du lịch lần này là dịp để du khách đến tham quan các gian hàng, tìm hiểu nét văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền, những ngày diễn ra Hội chợ có rất đông du khách đến với gian hàng.

Tại gian hàng, với diện tích trên 90m2, có tái hiện một góc không gian văn hóa Tam Chúc, giúp du khách được xem, tìm hiểu về ngôi chùa lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Đặc biệt, du khách được trải nghiệm mặc cổ phục, chụp hình lưu niệm miễn phí, tặng chữ thư pháp, xem nặn tò he, tìm hiểu nét ẩm thực, thưởng thức trà, bánh, kẹo, tham gia các trò chơi… Ngoài ra, khách cũng có cơ hội được nhận nhiều phần quà cùng khuyến mại voucher, được tư vấn và chọn các tour tham quan Tam Chúc với nhiều ưu đãi, tiêu biểu như tour tâm linh “Tam Chúc về đêm”.
Để tạo điểm nhấn tại Hội chợ, thu hút khách đến khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa. Tại các gian hàng của Ninh Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc đã chú trọng khai thác lợi thế về du lịch. Tiêu biểu là các tỉnh miền núi có các dân tộc sinh sống, tập trung giới thiệu nét đẹp về cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, các gian hàng cũng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống, giới thiệu các sản phẩm nghề dệt, vẽ sáp ong trên vải. Điểm nhấn tại các gian hàng là hình ảnh những thiếu nữ trong trang phục dân tộc rực rỡ, mời chào du khách đã thu hút đông khách đến tham quan, mua sắm. Riêng tại gian hàng của Ninh Bình có biểu diễn hát xẩm, hát văn, hát chèo, ca trù; gian hàng của Đắk Lắk biểu diễn cồng chiêng; biểu diễn múa sinh tiền, múa khèn tại gian hàng của Lào Cai, Lai Châu...
Chị Hoàng Thị Chiều - Trung tâm quản lý di tích và phát triển du lịch Yên Bái cho biết: “Trong những ngày diễn ra Hội chợ, gian hàng của Yên Bái cũng như các tỉnh Tây Bắc luôn náo nhiệt, thu hút rất đông khách đến tham quan, tìm hiểu tour. Với gian hàng Tây Bắc nổi bật là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa dân tộc, về nghề dệt truyền thống. Khách đến đây để thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống cùng tham gia biểu diễn khèn, múa với các nghệ nhân, chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn viên, nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, trong không gian văn hóa mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc”...
“Đến các gian hàng tại Hội chợ du lịch lần này du khách sẽ được thưởng thức các loại trà, thảo dược, giao lưu cùng bà con dân tộc bên chén rượu ngô. Đồng thời, khách được tư vấn, chọn mua các sản phẩm nông sản, chè sạch, chè cổ thụ, chè shan tuyết, quế, nghệ, miến dong, gạo… do bà con dân tộc trồng, sản xuất đúng theo tiêu chuẩn OCOP” - chị Lèng Thị Liểng - Hợp tác xã Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ.
Tuấn Hải