Làng nghề thêu ren Văn Lâm
Làng nghề thêu ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, nằm trong khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Tương truyền nghề thêu ren ở đây có từ thời nhà Trần cách đây trên 800 năm. Bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ, đã truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren. Bằng những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp, đủ màu sắc, với đôi bàn tay khéo léo, người thêu ren đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động, mịn màng như những nét vẽ. Sản phẩm thêu ren rất phong phú: quần, áo, ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh... được du khách trong nước và quốc tế rất ưa chuộng.
Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân
Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân thuộc làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, là một làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng và độc đáo trong và ngoài tỉnh. Nghề chạm khắc đá ở đây có từ rất lâu đời, trải qua biết bao thế hệ, cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử. Từ những hòn đá sù sì, qua bàn tay của người thợ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Sản phẩm đá gồm các loại: tượng, chim thú, bể cảnh, bia, thống, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, ngai, cầu, cổng, ngưỡng cửa, xà nhà... Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại, bởi đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.
Làng nghề cói Kim Sơn
Làng nghề Chiếu cói Kim Sơn nằm ngay gần điểm tham quan nhà thờ đá Phát Diệm, thuộc huyện Kim Sơn. Cây cói đã có ở Kim Sơn gần hai thế kỉ, trải qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, người Kim Sơn đã tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói và lấy đó là nguyên liệu để sản xuất chiếu cói. Chiếu cói Kim Sơn từ lâu đã nổi tiếng cả nước bởi chất liệu cói rất bền và hoa văn đẹp. Ngày nay, những người thợ thủ công làng nghề cói Kim Sơn đã sáng tạo ra vô số các sản phẩm được chế tác từ cói như: thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi xách,...
Làng nghề gốm Bồ Bát
Làng nghề gốm Bồ Bát xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Gốm Bồ Bát đã có hàng ngàn năm lịch sử và là nguồn gốc của gốm Bát Tràng ngày nay. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát là làng Bạch Bát – Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa đã nổi danh từ cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sứ phục vụ tiêu dùng và xây dựng. Các sản phẩm chủ yếu là: chén, bát, đĩa, bình hoa, chuông gió, tranh gốm mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm hoa văn và được vẽ bằng men màu rất độc đáo.
Làng nghề gốm Gia Thủy
Xã Gia Thủy, huyện Nho Quan nổi tiếng với làng nghề gốm truyền thống có tuổi đời hơn 50 năm. Theo các nghệ nhân của làng, gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh. Làng gốm Gia Thủy ra đời từ năm 1959 khi một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây mở một số lò gốm làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như nồi, niêu, chum vại. Nét đặc trưng của gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề mới có. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt. Một số sản phẩm bán chạy được nhiều người ưa chuộng như: bình rượu, chum, vại được sản xuất cách điệu và có hoa văn, phong cảnh làng quê Việt Nam tạo nên một nét riêng cho gốm Gia Thủy.
Làng nghề mộc Phúc Lộc
Làng nghề Phúc Lộc ở phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình là một làng nghề truyền thống nổi tiếng chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ bằng gỗ. Làng nghề ra đời cách đây hàng trăm năm và phát triển theo hướng cha truyền con nối. Từ xưa người thợ Phúc Lộc đã sáng tạo ra những sản phẩm mộc với những nét trạm trổ tinh xảo phục vụ cho việc làm nhà thờ, chùa, đền, đình. Làng nghề mộc Phúc Lộc được đánh giá là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn.
Hải Anh