Đường lên Hà Giang gập ghềnh với những con đường men theo triền núi quanh co, những con đèo “xuyên mây” hiểm trở mà bất cứ ai đã từng một lần trải qua đều đọng lại những cảm xúc khó diễn tả thành lời. Bù lại, khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn của cao nguyên đá như đưa du khách lạc vào miền thương nhớ. Điểm đặc sắc của chương trình là sự cô đọng, tập trung vào điểm đến chính. Lịch trình tour chỉ 3 ngày 2 đêm, nhưng mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây đều mang lại cho du khách những cảm nhận mới mẻ.
1. Cao nguyên đá
Cao nguyên đá Đồng Văn – một đặc trưng tạo cho Hà Giang sự khác biệt không nơi nào có được. Một vùng đá cổ vào bậc nhất của trái đất đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 12 năm 2010.
2. Dinh thự họ Vương – kỳ quan giữa lòng cao nguyên
Nổi lên như một pháo đài trong lòng cao nguyên đá – dinh thự họ Vương được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, chứa đựng câu chuyện vô cùng hấp dẫn về một thời kỳ lịch sử. Thuyết minh viên tại điểm sẽ đưa du khách quay ngược lại thời gian hàng trăm năm trước – thời kỳ quyền lực nhất của vua Mèo Vương Chính Đức.
Dinh thự họ Vương được khởi công năm 1898 và hoàn thành 10 năm sau đó với tổng kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng (tương đương 150 tỷ đồng Việt Nam bây giờ). Mỏm đồi hình mai rùa quý hiếm cùng hàng cây bao quanh ngôi nhà hình chữ “Vương” sừng sững.
3. Cột cờ Lũng Cú - “Nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”
Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”, mà bất kỳ ai đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng này.
Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, ta sẽ đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - điểm cực bắc của Tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.
4. Con đường Hạnh phúc - 50 năm con đường của máu và hoa
Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được xem là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin.
5. Đèo Mã Pì Lèng – “Sống mũi ngựa”
Mã Pì Lèng có nghĩa là “Sống mũi ngựa” theo tiếng địa phương, nhưng hiểu theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến thì tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.
6. Phố cổ Đồng Văn –phố núi giữa tứ bề núi đá
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Trước đây khu phố cổ chỉ có vài chục nóc nhà nằm nép vào nhau dưới núi đá. Ngày nay, Đồng Văn là thị trấn đông đúc, thu hút khách du lịch khi đến Hà Giang, nhất là vào những ngày cuối tuần.
Đến đây, du khách có cơ hội thưởng thức café Phố cổ trong những quán café mang đậm phong cách giao thoa bản địa và Trung Quốc . Trong tiết trời se lạnh, thật không có gì thú vị bằng ngồi quán nước ven đường, thưởng thức khoai nướng, trứng nướng và nhấp bát chè nóng mới cảm nhận hết được cái không khí của vùng cao nguyên đá.
7. Cổng trời Quản Bạ
Cổng trời Quản Bạ cao 1.500m so với mặt nước biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm được dựng ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc,Yên Minh và Đồng Văn
8. Núi Đôi Quản Bạ - “tòa thiên nhiên” độc đáo
Núi Đôi Quản Bạ có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.
9. Làng văn hóa Lũng Cẩm - Bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện nơi đây là một trong những điểm cực kỳ thu hút khách du lịch, nhất là giới trẻ..
A.M