Tại Hội thảo xúc tiến du lịch tỉnh Fukushima 2023 do Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản (VJSC) phối hợp với Cục Xúc tiến du lịch tỉnh Fukushima tổ chức chiều 8/6, nhiều thông tin hữu ích về điểm đến cũng như các chính sách hỗ trợ khách hàng đã được đại diện Cục Xúc tiến du lịch Fukushima cung cấp tới các đơn vị lữ hành. Theo đại diện Phòng giao lưu sân bay, Cục Xúc tiến du lịch Fukushima, năm 2023 là năm thứ 10 tỉnh Fukushima đón các thuê bao chuyến (charter) từ Việt Nam, sau 3 năm tạm dừng vì đại dịch Covid-19, các chuyến bay đã được nối lại từ tháng 1/2023. Từ đó đến nay, có khoảng 210.000 du khách Việt Nam đến Nhật Bản tham quan, du lịch, là thị trường khách có mức tăng cao nhất tại Nhật Bản. Ngoài những thị trường đã và đang được khai thác, Nhật Bản còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn song chưa được khách hàng biết đến nhiều. Việc tăng cường xúc tiến điểm đến Nhật Bản không chỉ là hoạt động thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy giao lưu hợp tác văn hóa, du lịch giữa 2 nước.
Giới thiệu tổng quan về Fukushima, đại diện Phòng giao lưu sân bay Fukushima cho biết, Fukushima nằm ở Đông bắc của thủ đô Tokyo, là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 Nhật Bản. Được chia làm 3 khu vực: Hamadori (phía Đông – giáp biển), Nakadori (trung tâm) và Aizu (miền núi), Fukushima có 4 mùa rõ rệt, mỗi mùa có một nét đặc trưng rất riêng nhưng đều có sự cuốn hút rất mạnh mẽ và tinh tế. Không chỉ là địa điểm quyến rũ, Fukushima thu hút sự quan tâm của du khách bởi nơi đây được xem là biểu tượng của sự nỗ lực không ngừng nghỉ cho công cuộc tái thiết sau thảm họa động đất và sự cố hạt nhân.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc HanoiTourism – đơn vị tiên phong khai thác charter sang Fukushima ngay sau khi du lịch mở cửa, với 3 charter “không còn một chỗ trống”, cho thấy tiềm năng của Fukushima là rất lớn, không chỉ về cảnh điểm mà còn nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực, nhất là sự nồng hậu của người dân bản địa, đây là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút du khách quay lại nhiều lần. Theo bà Ngần, sản phẩm “Cung đường Kim cương” sẽ tạo sự mới lạ, đặc sắc bởi những sản phẩm cũ đang có xu hướng bão hòa.
Đồng quan điểm, Giám đốc Nhật Bản AZ Hoàng Nghĩa Đạt cho rằng, thị trường Nhật Bản đã được các đơn vị lữ hành khai thác nhiều năm nay, tuy nhiên sự phong phú về sản phẩm là hầu như không có, chẳng hạn như sản phẩm Cung đường vàng, Hokkaido… đang dần nhàm chán. Chính vì vậy, sản phẩm đặc sắc Cung đường Kim cương do Fukushima giới thiệu được kỳ vọng rất nhiều để thúc đẩy thị trường, tăng cường trao đổi khách 2 chiều Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
Viễn Nguyệt