Tiềm năng phát triển du lịch gắn với di sản ở Đà Lạt
Đà Lạt đã và đang trở thành thành phố du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế bởi lịch sử lâu đời với hơn 125 năm tuổi và phong phú về di sản văn hóa. Đà Lạt có 2 di sản văn hóa nổi bật, đó là Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc bản địa Lâm Đồng thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2005, và năm 2009, UNESCO đã chỉ định Bộ Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới. Bên cạnh đó, Đà Lạt còn sở hữu hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đặc sắc khác như: kiến trúc ga Đà Lạt, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Đại học Đà Lạt, khu biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu, núi Lang Biang…
Đề xuất một số tour chuyên đề nhằm tôn vinh giá trị di sản và nét đặc trưng của Đà Lạt
Hầu hết những điểm di sản văn hóa và tự nhiên nổi tiếng của Đà Lạt được các công ty lữ hành đưa vào khai thác đều là những tour truyền thống, “không thể thiếu” trong danh sách sản phẩm giới thiệu cho du khách. Tuy nhiên, để làm mới chương trình cho chuyến đi cũng như làm phong phú thêm các hoạt động du lịch cho du khách khi đến thăm Đà Lạt, đặc biệt là đối tượng khách quay trở lại thì cần có những tour chuyên đề mới, đáp ứng “hot trend” du lịch hiện thời.
Tour chụp ảnh (Dalat architectural heritage photography tour) đi qua các điểm: Ana Mandra Villas Đà Lạt, biệt điện Trần Lệ Xuân, nhà thờ Con Gà, ga Đà Lạt, chùa Linh Phước và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ngoài việc tham quan và nghe thuyết minh về lịch sử hình thành, nét độc đáo của mỗi di sản thì điểm nhấn của chương trình tour là du khách sẽ được tặng một album ảnh hoặc tự chụp ảnh với concept trên nền các công trình kiến trúc theo phong cách Pháp kết hợp với nhân tố văn hóa bản địa và công trình kiến trúc tôn giáo. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội sử dụng dịch vụ đi tàu chạy bằng hơi nước trên đường ray xe lửa răng cưa có chiều dài khoảng 7km, chạy từ nhà ga Đà Lạt đến Trại Mát; sau đó du khách ghé thăm chùa Linh Phước - ngôi chùa khảm sành đặc sắc hay còn được gọi là “chùa ve chai” ở Đà Lạt.
Tour ẩm thực (Dalat cuisine tour) đi qua các điểm: nhà hàng Thủy Tạ, Dinh 1, Cadasa resort, nhà hàng Đà Lạt Xưa hoặc nhà hàng Ming, café Dreamer hoặc café Hoa Violet Ngày Thứ Tư. Để có được những điểm tối ưu mà tour ẩm thực đem lại, du khách bắt đầu với dịch vụ cưỡi xe ngựa ngắm những cảnh nổi tiếng như: hồ Xuân Hương, đồi Cù, vườn hoa thành phố… Cũng trên trục đường này, du khách sẽ nhìn thấy đỉnh tháp của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Tiếp tục hành trình, du khách có thể lựa chọn nhà hàng nào đó trong tour để ăn tối. Những nhà hàng này nằm trên đường Trần Hưng Đạo là một trong những cung đường của Đà Lạt sở hữu rất nhiều biệt thự cổ. Hiện nay những căn biệt thự này vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn để kinh doanh lưu trú, ăn uống. Du khách được thưởng thức bữa tối tại Đà Lạt với các dòng ẩm thực riêng như: đặc sản địa phương (rau, hoa quả Đà Lạt) kết hợp ẩm thực Âu (nhà hàng trong khu Cadasa resort), ẩm thực Trung Hoa (nhà hàng Ming) hoặc ẩm thực Việt (Đà Lạt Xưa) trong những biệt thự cổ được xây dựng bởi lối kiến trúc bản địa kết hợp kiến trúc tân cổ điển Pháp. Cùng với kiến trúc, nội thất, trang thiết bị và dụng cụ ăn uống mang dáng vẻ châu Âu cũng góp phần quan trọng tạo nên bầu không khí lãng mạn, nhẹ nhàng và mang lại cho du khách cảm giác được quay về quá khứ. Thật thú vị khi du khách có thể thưởng thức tách cà phê nóng trong tiết trời se lạnh và tận hưởng không gian lãng mạn của Đà Lạt ở những quán cà phê của chương trình tour.
Tour tìm hiểu văn hóa bản địa K’Ho (K’Ho’s cultural learning at the foot of LangBiang mountain) với các điểm: nhà thờ của người Cơ Ho, nhà sàn dài truyền thống, K’Ho coffee và giao lưu không gian văn hóa cồng chiêng tại chân núi Lang Biang. Du khách có thể bắt đầu hành trình với việc thưởng thức ly cà phê tại K’Ho coffee. Cũng tại đây, du khách sẽ tìm hiểu quy trình sản xuất và chế biến cà phê của người K’Ho. Sau đó, du khách tản bộ để tham quan những kiến trúc bản địa của dân tộc K’Ho, được tận mắt nhìn thấy cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Đây là một cơ hội tốt giúp khách du lịch hiểu phần nào về văn hóa, phong tục và truyền thống của người K’Ho. Bên cạnh đó, du khách cònđược nghe thuyết minh về sự khác nhau giữa nhà thờ của người Kinh và nhà thờ của người K’Ho. Đặc biệt, điểm dừng chân cuối của tour, du khách sẽ tham gia và trải nghiệm không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên và mua sắm các sản phẩm thủ công truyền thống địa phương.
Một số tour chuyên đề được thiết kế trong bài viết là gợi ý cho những nhà tiếp thị điểm đến cũng như các doanh nghiệp lữ hành địa phương khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa của Đà Lạt, nhằm thu hút và níu kéo du khách quay trở lại, nhất là đáp ứng thị hiếu của khách du lịch nội địa hiện nay. Từ đó, tạo ra hình ảnh tích cực và độc đáo của điểm đến, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Anh Tuấn & Nguyễn Thị Hồng Tâm. (2012). "Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch di sản". Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 8.
2. Little, C., Bec, A., Moyle, B. D., & Patterson, D. (2019). "Innovative methods for heritage tourism experiences: creating windows into the past". Journal of Heritage Tourism, 1-13.
3. Nguyễn Thị Thanh Kiều. (2018). "Du lịch cắm trại - Sản phẩm còn bỏ ngỏ tại Đà Lạt". Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 10.
4. Timothy, D. J., & Boyd, S. W. (2003). Heritage tourism: Pearson Education.
5. Trần Đức Thanh. (2012). "Du lịch di sản". Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 8.
6. Truong, T. L. H., Lenglet, F., & Mothe, C. (2018). "Destination distinctiveness: Concept, measurement, and impact on tourist satisfaction". Journal of destination marketing & management, 8, 214-231.
|
ThS. Nguyễn Thị Thanh Kiều
NCS. Đàm Thị Phương Thúy