Mở đầu cho lễ khai mạc là nghi lễ rước đuốc, nghinh đón linh khí của trống đồng Đông Sơn được rước về từ đền Đồng Cổ (Yên Định) vào trung tâm sân khấu. Nghi lễ trang trọng, thành kính này là điểm nhấn đặc sắc của buổi lễ, thể hiện ấn tượng vốn văn hóa xứ Thanh vừa riêng biệt vừa có tính đại diện cho văn hóa dân tộc, qua đó góp phần nâng tầm giá trị Lễ khai mạc.
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban tổ chức NDLQG 2015 Nguyễn Đình Xứng cho biết: Với chủ đề: “Kết nối các Di sản thế giới”, NDLQG 2015 là cơ hội để Thanh Hóa giới thiệu những di sản vật thể, phi vật thể, các thắng cảnh đặc sắc, nổi tiếng đến với du khách và bạn bè quốc tế, thông qua đây mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị phát triển, giới thiệu đất nước hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho Thanh Hóa có sự hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế để phát triển du lịch, hướng đến sự liên kết du lịch vùng và du lịch quốc tế".
Hiện nay, Thanh Hóa có trên 1.500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có gần 770 di tích đã được xếp hạng, đặc biệt có những cụm di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về nghệ thuật, kiến trúc như: di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt… và độc đáo hơn cả là di tích lịch sử thành nhà Hồ với những giá trị mang tính đặc trưng, nổi bật toàn cầu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Tất cả được hòa vào cảnh quan thiên nhiên hữu tình và bản sắc văn hóa trầm hùng của vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa cùng các tỉnh, thành phố, Bộ VHTTDL đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch cũng như cho tổ chức sự kiện có ý nghĩa này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phát triển một nền du lịch chuyên nghiệp hiệu quả, khắc phục cho được tình trạng manh mún, tự phát, thiếu đồng bộ, không chỉ làm du lịch chưa phát huy tốt tiềm năng mà có tác động tiêu cực về văn hóa xã hội mà hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Mỗi người con Thanh Hóa mỗi con người đất Việt chúng ta hãy thêm niềm tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng và đậm nét văn hoá của dân tộc, của quê hương, thấy thêm khát vọng sự quyết tâm vượt qua khó khăn vượt lên chính mình để cùng nhau góp sức phát triển đất nước giàu mạnh, để nền văn hiến Việt Nam mãi rực rỡ trong dòng chảy văn minh nhân loại... Thông qua sự kiện của Năm Du lịch quốc gia, Thanh Hóa cần xây dựng các sản phẩm du lịch có tính liên kết, độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế; góp phần mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, khai thác các nguồn lực tự nhiên, xã hội cho phát triển du lịch; phát huy vị thế của Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu… và khẳng định Thanh Hóa là một trong những địa bàn trọng điểm quốc gia về du lịch.
Ngay sau các nghi thức của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Thanh Hóa – Một vùng di sản: Hội tụ và tỏa sáng”, hướng đến ngợi ca mảnh đất con người xứ Thanh, giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh, đồng thời cũng là ngày hội giao lưu gặp gỡ giữa các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Chương trình được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc, hợp xướng, nghệ thuật đương đại, các trò diễn, sự cộng hưởng, hòa đồng giữa người diễn, người xem.
Đây là Năm Du lịch quốc gia lần thứ 12, nhưng là năm đầu tiên Thanh Hóa vinh dự được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, là dịp để quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh về du lịch Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng tới du khách và bạn bè quốc tế trên tinh thần "quảng bá gắn với trách nhiệm cộng đồng", "bảo tồn gắn với phát triển".
Lễ khai mạc NDLQG 2015 – Thanh Hóa khép lại với màn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách.
Tin và ảnh: Lê Dung