Phát biểu khai mạc liên hoan phim, Tổng Giám đốc Hãng phim TL&KHTƯ Phạm Thị Tuyết nhấn mạnh: Với cái nhìn chân thực, điện ảnh tài liệu có khả năng thu hút mọi tầng lớp, mọi thế hệ và các dân tộc trên thế giới, là nhịp cầu ngắn nhất để con người xích lại gần nhau trong tình hữu nghị và hợp tác.
Năm nay, Hãng phim TK&KHTƯ tiếp tục là cầu nối cho 9 quốc gia Đức, Pháp, Thụy Điển, Bungary, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Áo giới thiệu các tác phẩm phim tài liệu đặc sắc; là dịp để các nhà làm phim tài liệu Việt Nam, khán giả yêu thích phim tài liệu tìm hiểu, chia sẻ về hiện thực cuộc sống, phong cách thể hiện, quan điểm sáng tác. Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 6 sẽ giới thiệu 8 phim của châu Âu, 9 phim Việt Nam và 5 phim của các nhà làm phim tài liệu trẻ Đông Nam Á. Các buổi chiếu phim đều mở cửa tự do cho công chúng. Liên hoan sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 - 12/6/2014 và tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 21 - 29/6/2014.
 |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Tổng Giám đốc Hãng phim TL&KHTƯ Phạm Thị Tuyết, Viện trưởng Viện Goethe - Chủ tịch EUNIC Almuth Meyer-Zollitsch cùng Đại sứ một số nước châu Âu tại Việt Nam cắt băng khai mạc liên hoan phim |
Trong thời gian diễn ra Liên hoan, mỗi phim Việt Nam sẽ được chiếu kèm cùng 8 phim của Đan Mạch, Đức, Pháp, Anh, Áo, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Bungary. Có 9 bộ phim của Hãng phim TL&KHTƯ được chiếu tại Liên hoan phim bao gồm: Xin đừng quên tôi; Người giữ lửa; Động đất, sóng thần - thảm họa khôn lường; Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng; Cỏ xanh im lặng; Hai phía cuộc đời; Triết gia Trần Đức Thảo; Dẫu nẻo về còn xa; Đạo sắc phong. Với những đề tài phong phú phản ánh muôn mặt đời sống xã hội và phong cách làm phim đa dạng, những bộ phim tài liệu mới từ 9 nước châu Âu và Việt Nam sẽ tạo ra một cuộc đối thoại sôi động. Bên cạnh đó, loạt phim tài liệu Đông Nam Á chọn lọc như Đỉnh A Mú Sung (phim Việt Nam), Nơi tôi đi (phim Campuchia), Phía sau màn ảnh (phim Myanmar), Chiếc tivi màu khác (phim Indonesia)... cùng sự hiện diện của một số đạo diễn trẻ sẽ góp phần làm phong phú thêm Liên hoan và tăng cường sự giao lưu.

Cảnh trong phim “Cỏ xanh im lặng”

Cảnh trong phim “Đỉnh A Mú Sung”
Hai bộ phim tài liệu được lựa chọn giới thiệu trong đêm khai mạc là phim Việt Nam “Khi không thể vượt qua chính mình” và phim Đức “Xin đừng quên tôi”. “Khi không thể vượt qua chính mình” đưa ra thông điệp hãy lắng nghe, thấu tiểu để biết quan tâm, chia sẻ với những con người bất hạnh, những người mắc triệu chứng của bệnh tâm thần. Trong bộ phim tài liệu Đức “Xin đừng quên tôi” đã giành được nhiều giải thưởng, kể về người mẹ của đạo diễn David Sieveking mắc chứng bệnh mất trí nhớ, gia đình anh phải đối mặt với một thử thách khó khăn. Với óc hài hước và tấm lòng chân thành cảm động, Sieveking đã kể thành công một câu chuyện gia đình đặc biệt, ở đó con người mới là trung tâm câu chuyện chứ không phải căn bệnh.
 |
Tổng Giám đốc Hãng phim TL&KHTƯ Phạm Thị Tuyết trao tặng kỷ niệm chương cho đại diện hai phim được chiếu đêm khai mạc |
Ngoài ra, có hai hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim: một hội thảo dưới sự hướng dẫn của đạo diễn người Phần Lan Iikka Vehkalahti dành cho các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á; hội thảo thứ hai dành cho các nhà làm phim trẻ Hà Nội dưới sự hướng dẫn của nhà dựng phim Đức Catrin Vogt với chủ đề “Nghệ thuật dựng phim đối với phim tài liệu” được tổ chức tại Hanoi Doclab (Trung tâm làm phim tài liệu tại Viện Goethe).
Hạ Tinh