Với chủ đề “ Hương sắc cà phê”, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc đã thể hiện tình yêu, khát vọng, niềm tin của người dân Tây Nguyên vào tương lai phát triển và sự đóng góp tích cực của ngành cà phê đối với sự phát triển của Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Trải qua quá trình hơn 100 năm phát triển, cà phê của vùng Tây Nguyên nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng đã phát triển vượt bậc, đóng góp hơn 90% sản lượng cà phê cả nước và góp phần chính yếu cho ngành cà phê Việt Nam hơn 10 năm qua liên tục giữ vững vị trí sản xuất và xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới.
Có thể nói, ngành cà phê Việt Nam đã đạt được sứ mệnh của thời kỳ phát triển và chuẩn bị cho một sứ mệnh tiếp theo là nâng cao giá trị gia tăng sản xuất và xuất khẩu cà phê.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi tổ chức lễ hội cà phê lần thứ 6 rồi và mỗi lần chúng tôi đều cố gắng đổi mới về nội dung. Cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ thì sau lễ hội lần này chúng tôi sẽ hoàn thiện hơn cách thức quản lý, quy trình canh tác và kể cả việc xuất khẩu để làm sao hương vị đặc trưng của cà phê Buôn Ma Thuột lan tỏa không chỉ thị trường trong nước mà còn ra quốc tế”.
Dự và phát biểu khai mạc, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành cà phê vào sự phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng cũng đánh giá cao những cố gắng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk trong xây dựng kinh tế, phát triển một ngành cà phê vững mạnh, góp phần tạo nên vị thế lớn của ngành cà phê Việt Nam hiện nay.
Để ngành cà phê phát huy hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Hãy để chủ đề ‘Hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết phát triển’ không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017. Tinh thần này, lời văn này, cần trở thành kim chỉ nam cho chiến lược hành động, là công thức để thương hiệu cà phê Tây Nguyên lan tỏa khắp thể giới và đạt được vị thế tương xứng.
Một điều nữa hết sức quan trọng là chúng ta phải đảm bảo được đời sống sinh kế bền vững cho người nông dân trồng cà phê nói riêng và nông nghiệp nói chung. Đặc biệt là đối với bà con vùng dân tộc thiểu số họ phải được hưởng lợi một cách tương xứng với công xức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên”.
Lễ hội cà phê lần thứ 6 này, tỉnh Đắk Lắk đón tiếp nhiều du khách trong nước và quốc tế, các vị lãnh đạo các bộ ngành, các lĩnh vực. Điều này càng khẳng định thêm vị thế của Đắk Lắk, vùng đất có lịch sử, văn hoá và địa chất từ rất lâu đời. Buôn Ma Thuột ngày nay đang khoác lên mình một diện mạo mới, vươn mình thành đô thị trẻ năng động, mang tầm vóc của đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên./.
Nguồn: VOV