|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn khai mạc; Ảnh: TTXVN |
Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Năm 2008, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,5 - 7% ; trong đó, nông nghiệp tăng 3,5 - 3,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,3 - 7,5%, dịch vụ tăng 7,2 - 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD...
Khẳng định những chuyển biến tích cực bước đầu quan trọng, Thủ tướng cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém là: Lạm phát cao, nhập siêu lớn, cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu đề ra; Đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; Việc giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc còn chậm, kết quả còn hạn chế; Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu là khâu đột phá; kết quả phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn thấp; An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn vẫn còn phức tạp.
Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, Ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.
Có 8 dự thảo luật sẽ được thông qua, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Đa dạng sinh học; Luật Công nghệ cao; Luật Thi hành án dân sự; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức.
Quốc hội cũng dự kiến sẽ thông qua 5 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết giám sát chuyên đề (nếu có); Nghị quyết về nội dung chất vấn (nếu có); Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009. Và đặc biệt là Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về một số dự án luật dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XII là: Dự án Luật quy hoạch đô thị; Luật quản lý nợ khu vực công; Luật bồi thường nhà nước; Luật lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Đáng chú ý là tại kỳ họp này, Quốc hội dành 3 ngày để nghe chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề "nóng" như: Giá cả, lạm phát, môi trường... mà cử tri cả nước quan tâm
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, kỳ họp lần này có nhiều thay đổi lớn trong hoạt động chất vấn. Theo đó, toàn bộ phần chất vấn tại hội trường sẽ không đọc lại các câu trả lời của thành viên Chính phủ mà phát cho đại biểu đọc trước qua phương tiện công nghệ thông tin, phần trả lời tại hội trường sẽ theo hình thức đối thoại và trả lời thẳng vào những quan tâm của cử tri. Trong đó, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như đời sống kinh tế - xã hội, giá cả, việc làm...
Tại Kỳ họp này, Thủ tướng sẽ tham gia tất cả các phiên chất vấn, những vấn đề đại biểu chất vấn mà thành viên Chính phủ trả lời chưa thỏa đáng, Thủ tướng sẽ sẵn sàng tiếp tục giải đáp, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn nhấn mạnh
Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII dự kiến sẽ làm việc trong 26 ngày (không kể 4 ngày chủ nhật).
PV