Được biết, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 có 327 nghệ nhân, thợ thủ công từ các làng nghề trong tỉnh và cả nước đăng ký tham gia, tăng hơn 30% so với Festival Nghề truyền thống Huế 2015; trong đó có 24 đơn vị ngoài tỉnh và 35 đơn vị trong tỉnh, thuộc 40 làng nghề khác nhau; tập trung là các nghề: dệt, thêu, gốm, mộc mỹ nghệ, mây tre, nón lá, kim hoàn, tranh dân gian, pháp lam, hoa giấy, đồng, làm mõ, đền lồng, lọng đèn, nhang trầm, nghề đệm bàng, diều, nghề làm đầu lân… Ngoài ra còn có sự góp mặt của 34 nghệ nhân quốc tế đến từ các thành phố Takayyama, Saijo, Shizuoka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Giang Tô (Trung Quốc).
Các không gian trưng bày, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề được sắp xếp tập trung vào khu vực nhà rường ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Lý Tự Trọng và một số khu vực ở phía bờ Nam sông Hương để thợ thủ công, nghệ nhân phô diễn nghề.
Ngoài không gian trưng bày, nhiều chương trình “xã hội hóa” được tổ chức trong 5 ngày diễn ra Festival (28/4/2017 – 2/5/2017) như: Chương trình Lễ hội áo dài “Hội họa Huế và áo dài” tại cầu Trường Tiền, quy tụ 17 họa sĩ và 16 nhà thiết kế đến từ Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh diễn ra vào đêm 30/4/2017, truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình TRT; Chương trình biểu diễn trang phục dệt may “Hội tụ bản sắc châu Á” gồm 12 nhà thiết kế trong nước và 5 nhà thiết kế đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Myanmar và Maylaysia với các bộ sưu tập được sử dụng chất liệu truyền thống trong nước như lụa, tơ tằm, thổ cẩm, đũi… và dệt truyền thống các nước; Chương trình biễu diễn “Xích lô Huế” thân thiện với môi trường và “Nữ sinh Huế”….
Để góp phần làm phong phú thêm các sự kiện hoạt động của Festival Nghề truyền thống Huế 2017, Doanh nghiệp XQ Cổ Độ cũng đã khai trương Bảo tàng thêu nghệ thuật XQ với hàng trăm bức tranh thêu nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật sắp đặt, trưng bày hoa và cây cảnh trên đường Phạm Hồng Thái…, Doanh nghiệp Huetourist dựng hai nhà rường hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp giới thiệu các sản phẩm, mô hình kinh doanh của mình.
Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND thành phố Huế - Trưởng Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết: Đây là sự kiện chính trị, văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của ngành nghề truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế của Huế - thành phố di sản, thành phố văn hóa, thành phố Festival của Việt Nam; tôn vinh các giá trị di sản, nghề truyền thống, qua đó tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, dịch vụ trong nước và quốc tế.
Minh Hạnh