Khảo sát do Grant Thornton Việt Nam thực hiện năm 2017 tập trung vào các khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại Việt Nam và được phân tích ở 2 khía cạnh là xếp hạng sao và vùng miền.
Theo xếp hạng sao, giá phòng của khách sạn 4-5 sao trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đều giảm.
Tiêu biểu như giá phòng bình quân cho khách sạn 5 sao giảm nhẹ từ 107 USD trong năm 2015 xuống còn 105 USD năm 2016. Giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao năm 2016 chỉ vào khoảng 75 USD, thấp hơn giá phòng năm 2014…
Xét theo vùng miền thì du khách tại miền Nam có nhu cầu sử dụng các dịch vụ, tiện ích của khách sạn 4-5 sao nhiều hơn miền Trung và miền Bắc. Miền Trung lại có xu hướng đầu tư xây mới các cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao nhiều hơn nhằm tăng sức hút với các du khách trong và ngoài nước.
Doanh thu trên số phòng sẵn có của khách sạn đều tăng, đối với khách sạn 4 sao (tăng 10%) và khách sạn 5 sao (tăng 5%). Nguyên nhân là do chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, cùng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, các khách sạn cũng đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo kết quả khảo sát, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số giữa các khách sạn tăng từ 49,3% (năm 2015) lên 67,3% (năm 2016). Đồng thời, gần 19% số khách sạn đã quyết định áp dụng công nghệ trong năm nay và những năm tiếp theo.
Phân tích xu hướng giảm giá phòng ở các khách sạn cao cấp, ông John Gardner, Tổng Giám đốc Caravelle Sài Gòn, cho biết, do lượng khách đến Việt Nam đang ngày một tăng, nên để thu hút khách hàng, các khách sạn cao cấp phải giảm giá để cạnh tranh với thị phần khách sạn 2-3 sao. Nhưng với lợi thế về chất lượng dịch vụ sẵn có và ứng dụng công nghệ thông tin chuyên nghiệp, sẽ giúp khách sạn dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn nữa.
Dự báo về xu hướng đặt phòng của khách du lịch trong nước, ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Khách sạn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, do thu nhập của người dân ngày càng tăng cao, nên mong muốn được nghĩ dưỡng, trải nghiệm những tiện ích cao cấp cũng sẽ nhiều hơn. Vì vậy, xu hướng đặt các khách sạn 4 -5 sao sẽ được khách du lịch nội địa quan tâm hơn trước đây.
Năm 2016 cả nước có khoảng 41 khách sạn được xây mới từ 3-5 sao, nâng tổng số phòng cả nước lên 420.000 phòng, cao hơn các nước trong khu vực như Malaysia, Lào, Campuchia…
Du lịch Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 đón khoảng 20 triệu khách quốc tế, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho GDP khoảng 10% trở lên. Do vậy, việc giảm giá phòng, nâng cấp dịch vụ của các khách sạn sẽ góp phần thu hút thêm nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam hơn./.
Nguồn: TTXVN