Yêu cầu các khách sạn ký cam kết và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao
Ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Công văn số 3320/BVHTTDL-TCDL về việc chấn chỉnh công tác quản lý, chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú gửi Tổng cục Du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Du lịch các tỉnh thành phố trong cả nước.
Công văn nêu rõ, những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2010 – 2015, số khách sạn và số phòng nghỉ cao cấp từ 3 đến 5 sao đã tăng gấp đôi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn cơ sở lưu trú du lịch, nhất là các khách sạn 4 – 5 sao thường xuyên duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên, thì có không ít cơ sở lưu trú sau khi được Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch xếp hạng đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dịch vụ, một số cơ sở lưu trú không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhân viên thiếu chuyên nghiệp, thái độ ứng xử với du khách thiếu lễ phép, thân thiện. Tình hình trên mặc dù không phổ biến nhưng đã ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, uy tín và hình ảnh của du lịch Việt Nam. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch đã ký quyết định thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 17 khách sạn, trong đó có 05 khách sạn 4 sao, 12 khách sạn 3 sao. Việc làm trên của Tổng cục Du lịch đã được dư luận xã hội, các cơ quan báo chí và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch ngày 09 tháng 8 năm 2016 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch xây dựng Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam trình Bộ trưởng ban hành và thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, tổ chức hội nghị tại 3 miền phổ biến chủ trương, biện pháp quản lý chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, yêu cầu các khách sạn ký cam kết thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ đạo, Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội khách sạn Việt Nam tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra tại các địa phương, tập trung vào những khách sạn từ 3 đến 5 sao. Đối với khách sạn có một số hạn chế, yêu cầu chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp chất lượng trong thời hạn 03 tháng, nếu không thực hiện thì thu hồi quyết định công nhận hạng. Đối với khách sạn không duy trì chất lượng cơ sở vật chất, nhân lực không đáp ứng, nhân viên thiếu lễ phép, không đảm bảo vệ sinh thì thu hồi quyết định công nhận hạng.
Bên cạnh đó, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành du lịch, phát động phong trào ứng xử văn minh trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác để kiểm soát chất lượng dịch vụ, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở lưu trú du lịch. Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức công vụ, thực hiện việc thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, đảm bảo khách quan, công bằng, kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm, tiêu cực, gây khó khăn hoặc bao che cho những đơn vị không thực hiện quy định.
Rà soát chất lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc
Cũng theo công văn này, Bộ trưởng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị quán triệt, nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, tham gia các đoàn kiểm tra chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.
Tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, cụ thể: tập trung rà soát cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ lao động, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, có kế hoạch hỗ trợ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nhân lực các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và thái độ ứng xử cho nhân viên, năng lực quản trị khách sạn, khắc phục tình trạng thiếu hụt và yếu kém về nhân lực tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổ chức đường dây cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của khách du lịch.
Giao Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch, phối hợp với Tổng cục Du lịch kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch hạng cao cấp và hạng từ 3 đến 5 sao. Giao Vụ Đào tạo, các Trường đào tạo nghề về du lịch: nghiên cứu, tổ chức chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề ngắn hạn hỗ trợ cơ sở lưu trú du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện ngay từ tháng 8 năm 2016. Hàng tháng, Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kịp thời kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử lý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.
Nguồn: Toquoc.vn