Dự án EU-ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, với mục tiêu đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án có tổng trị giá 12,1 triệu Euro, được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch trong 6 năm (2011 - 2016).
Trưởng đoàn Đánh giá của Dự án EU-ESRT Jane Watson cho biết, trong 6 năm triển khai, tất cả 16 hoạt động của Dự án trong 3 hợp phần đều được thực hiện với mức độ giải ngân cao (khoảng 96%) khi so sánh với các dự án khác; đồng thời, Ban Quản lý Dự án EU-ESRT đã thực hiện tốt một khối lượng công việc khổng lồ và giành được vô số kết quả khả quan, giúp cải thiện truyền thông và hợp tác trong quan hệ công - tư và giữa các tỉnh trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, 96% học viên nhận thấy chương trình đào tạo Du lịch có trách nhiệm của Dự án EU-ESRT giúp ích cho công việc của họ, 86% đối tượng hưởng lợi thay đổi quan niệm, thái độ hoặc hành vi sau khi tham gia tập huấn quản lý Du lịch có trách nhiệm. Cải thiện nhận thức về du lịch có trách nhiệm có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là nhận thức của cộng đồng người nghèo thuộc dự án.
Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) có ảnh hưởng lớn tới các công ty du lịch tại Việt Nam và đang được sử dụng như ví dụ mẫu để áp dụng vào những ngành khác. Sau khi các giáo viên tham gia chương trình đào tạo Đào tạo viên VTOS và ứng dụng kiến thức tại các trường cao đẳng, tỷ lệ phần trăm sinh viên bỏ học giảm, nhiều sinh viên tìm được việc sau khi tốt nghiệp và số lượng sinh viên nộp hồ sơ vào các trường cao đẳng tăng cao.
Đoàn Đánh giá kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục Du lịch cần cam kết duy trì những thành quả của Dự án, đặc biệt là đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực của Tổng cục Du lịch để Du lịch Việt Nam phát triển bền vững và có trách nhiệm.
KH