Thừa Thiên Huế nằm ở dải đất ven biển miền Trung Việt Nam, là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu..., cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm từ xưa để lại. Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam.
Trước tiềm năng vốn có của Huế, Bộ Chinh trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về việc “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó "Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á”.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, trong những năm qua, Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế…
Bên cạnh kết quả đạt được thì du lịch Thừa Thiên Huế còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng. Hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được với nhu cầu của khách du lịch….
Để xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch, giúp kết nối Huế với các điểm đến du lịch khác trong cả nước, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất giữa địa phương với các tỉnh lân cận cũng như các thành phố lớn để phát triển du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh và quản lý du lịch. Ngoài ra xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách.
Theo đó, nhằm đồng hành với các doanh nghiệp lữ hành thu hút nguồn khách quốc tế mới đến Thừa Thiên Huế, tỉnh đã xây dựng chính sách ưu đãi cho đơn vị lữ hành/hãng hàng không/ đại lý du lịch tàu biển tổ chức tour charter/tàu biển đến Huế, trong đó hiện đang triển khai một số hình thức như sau: giảm 50% vé tham quan các điểm di tích cho các tour khách đoàn đi trên các chuyến bay charter đầu tiên từ thị trường mới đến Huế; giảm giá vé tham quan ở 1 số điểm tham quan, du lịch khác; hành khách được đón chào khi thăm Hoàng cung Huế (biểu diễn nghệ thuật Nhã nhạc đón đoàn vào cổng, tặng quà lưu niệm).
Ngoài ra, một số khách sạn từ 3-5 sao và cơ sở ẩm thực cũng có chính sách ưu đãi cùng đồng hành cho các đơn vị lữ hành khi tổ chức tour charter đến Huế.
Trong thời gian tới, Tỉnh và ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo phục hồi hiệu quả và phát triển mạnh, tập trung khai thác khách nội địa, lấy khách nội địa làm nền tảng đồng thời tăng cường các giải pháp để thu hút tốt hơn các thị trường khách quốc tế, phát huy tối đa giá trị điểm đến và tăng lợi thế cạnh tranh điểm đến du lịch cho Thừa Thiên Huế.
"Với những nỗ lực kết nối, hợp tác du lịch của Huế với các địa phương chắc chắn sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Đây cũng là kim chỉ nam để toàn ngành Du lịch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 2.435.135 lượt khách, tăng 61% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 745.563 lượt, tăng 629.4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 5.469 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. |
PV