Vì sao kẹo dừa vẫn được sản xuất thủ công?
Kẹo dừa Bến Tre ngày nay được sản xuất từ những thành phần nguyên liệu chính là cơm dừa/nước cốt dừa và mạch nha. Huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được cho là nơi phát tích ra loại kẹo độc đáo này.
Theo bà Trang - chủ một cơ sở có truyền thống lâu năm làm kẹo dừa tại huyện Mỏ Cày Nam cho biết, trước đây, người Bến Tre thường dùng đường thô để sản xuất kẹo dừa, nhưng ngày nay không còn loại đường này nữa nên phải dùng mạch nha để sản xuất kẹo. Mỗi cơ sở sản xuất đều có bí quyết riêng để pha chế gia giảm lượng mạch nha với công thức khác nhau, nhằm tạo nên độ kết dính đạt chuẩn theo từng loại kẹo dừa.
Đặc biệt, dù có một số máy móc được đưa vào sử dụng phụ trợ trong quá trình sản xuất kẹo, nhưng đa phần các công đoạn đều được làm thủ công bằng tay. Từ việc nấu kẹo, cắt kẹo, cho đến việc gói từng viên kẹo, đóng gói/hộp… đều làm bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Bà Trang cho biết: “Máy móc có thể làm được kẹo dừa theo dạng công nghiệp, sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, mỗi loại máy có giá hàng tỷ đồng nhưng chỉ sản xuất được một loại kẹo. Do vậy, nếu muốn sản xuất nhiều loại kẹo thì phải nhập nhiều loại máy, tốn rất nhiều chi phí và sẽ đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất kẹo dừa thường có cả chục loại kẹo khác nhau, với hình dạng khác nhau, cho nên vẫn sản xuất, đóng gói bằng phương pháp thủ công là chính”.
Hơn nữa, điều quan trọng là việc sản xuất bằng máy móc hiện đại chưa thể thực hiện công đoạn gói kẹo với giấy bánh tráng mỏng. Kẹo có lớp lót bánh tráng mỏng bên trong là cách làm truyền thống từ xưa và cũng là cách để tạo nên hương vị đặc trưng mà khách hàng ưa chuộng. Nếu đóng với loại máy móc hiện đại, chỉ đóng trong túi nylon (như nhiều loại kẹo khác), thị trường lại ít ưa chuộng hơn. Cũng vì vậy mà các cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre vẫn sử dụng phương pháp thủ công truyền thống để sản xuất kẹo dừa trứ danh.
Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều loại kẹo dừa như: kẹo dừa cơm sầu riêng, kẹo dừa lá dứa sầu riêng, kẹo dừa đậu phộng sầu riêng, kẹo dừa lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa thập cẩm… Kẹo được chế biến theo phương pháp thủ công, nên đòi hỏi những người thợ phải nhanh nhẹn, khéo léo và nhịp nhàng trong các khâu chế biến. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, các lò sản xuất kẹo dừa truyền thống đã được chọn làm các điểm đến tham quan dành cho du khách với những trải nghiệm đầy ấn tượng và thú vị. Đến đây, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các khâu chế biến một cách tài tình của các tay thợ lành nghề, mà còn có thể thử nghiệm thực hành ngay tại chỗ để tự tay cắt gói cho mình những viên kẹo xinh xinh và có dịp thưởng thức ngay tại lò các viên kẹo tươi mới, thơm lừng.
Kẹo dừa Bến Tre lan tỏa giá trị văn hóa
Theo kinh nghiệm của những người sản xuất kẹo dừa, khâu khó nhất là nấu kẹo và cắt kẹo. Ở khâu nấu kẹo, phải làm sao để đạt được hương vị đặc trưng, độ ngọt và kẹo phải vừa dẻo, vừa dai… Người phụ trách cắt kẹo cần có tay nghề điêu luyện, cắt kẹo sao cho thành từng miếng đều nhau, theo hình chữ nhật hoặc các hình thù khác nhau, tùy từng loại kẹo, đồng thời phải cắt nhanh để đáp ứng cho cả chục người gói kẹo trên bàn.
Cứ thế, mỗi công đoạn, mỗi người sẽ có nhiệm vụ khác nhau. Từ người đưa kẹo vào khuôn, tạo thành thanh kẹo dài, chuyển sang người cắt, tiếp tục tung ra bàn, cho khoảng chục người gói kẹo. Tiếp đó, sẽ có người cho vào khuôn và chuyển cho bộ phận đóng gói, bao bì, nhãn mác…
Mỗi ngày bình thường, cơ sở của bà Trang có thể xuất ra 1 tấn kẹo dừa, còn vào các dịp lễ, Tết, số lượng tăng lên gấp nhiều lần để có thể cung ứng cho thị trường tại Bến Tre và các tỉnh, thành trong nước cũng như xuất khẩu. Được biết, cơ sở của bà Trang còn xuất khẩu kẹo dừa sang Mỹ, Australia cùng một số nước khác và được thị trường này ưa chuộng.
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kẹo dừa ở Bến Tre đã phát triển mô hình cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hiện một vài thao tác làm kẹo dừa. Hoạt động này góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của địa phương, tạo sự thích thú và giúp du khách có những trải nghiệm thú vị khi đến với xứ dừa. Từ đó, hình ảnh về cây dừa nói riêng, con người - văn hoá của Bến Tre và Việt Nam cũng được lan tỏa thông qua viên kẹo dừa đặc trưng.
Thanh Tùng