Công văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành cần nhận thức rõ tác hại của các loại văn hóa phẩm độc hại, tổ chức thực hiện nghiêm túc, các quy định để ngăn chặn và phê phán, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại.
Các cơ quan có trách nhiệm trong công tác tham mưu, quản lý phải tập trung rà soát các hoạt động văn hóa và kinh doanh hoạt động văn hóa công cộng, phát hiện, truy quét, triệt phá các sản phẩm văn hóa độc hại, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật và biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm. Kết hợp tuyên truyền vận động xã hội, khơi dậy tinh thần tự quản, tự kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện của nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Cơ quan, đơn vị trong Ngành phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao cho Vụ Pháp chế khẩn trương trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các Thông tư hướng dẫn về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền về quản lý trò chơi không trực tuyến (Kêt nối mạng internet, tên tiếng Anh là offline game) có nội dung không lành mạnh. Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham mưu, quản lý trong Ngành ở các cấp.
Tổng cục Thể dục Thể thao tăng cường đạo đức, nhận thức cho cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài chống sự xâm nhập văn hóa độc hại trong hoạt động thể dục, thể thao ở trong nước và nước ngoài; bài trừ các hành vi phi văn hóa trong cổ động hoạt động thể dục thể thao, hướng dẫn các cơ sở thể thao kiểm soát các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại tại các cơ sở tổ chức các hoạt động này.
Tổng cục Du lịch chủ động hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch kiểm soát các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa và có biện pháp ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại thâm nhập vào cơ sở của mình.
Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm soát các loại phim nhựa, phim video, băng, đĩa ca nhạc, thời trang, không để sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nước ta. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, tăng cường nhập khẩu, tạo ra các sản phẩm văn hóa lành mạnh, có chất lượng nghệ thuật cao phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Cục Văn hóa cơ sở hướng dẫn các đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa quần chúng, hoạt động biểu diễn tại các nhà hàng, khách sạn phải biểu diễn đúng các nội dung bài hát, bản nhạc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm duyệt, kiểm soát chặt chẽ các hiện vật, tài liệu triển lãm trước khi cấp giấy phép triển lãm.
Văn phòng Bộ VH,TTDL chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập văn hóa phẩm kiểm soát, phát hiện ngăn chặn các loại văn hóa phẩm độc hại xâm nhập vào nước ta.
Thanh tra Bộ VHTTDL tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các phòng chức năng thuộc Công an các tỉnh truy quét, kiên quyết chuyển sang cơ quan Điều tra khởi tố các cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa có hành vi vi phạm như: tàng trữ, buôn bán, phổ biến các loại văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý việc cấp phép phổ biến các sản phẩm văn hóa tại địa phương, chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Công an, cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm theo Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ.
Bộ VHTTDL yêu cầu các Tổng cục, Cục, Vụ, các tổ chức, đơn vị có liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kế hoạch, triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư.