Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã khai thác lợi thế, phát triển các loại hình du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn du lịch tâm linh với du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí. Đồng thời, phát triển du lịch theo định hướng gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với sinh thái, nông nghiệp sạch tại điểm du lịch có tiềm năng. Cùng với đó, quan tâm đầu tư nghiên cứu, xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phát triển mô hình sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang tính chất đặc trưng, độc đáo của địa phương để thu hút du khách.
Tại Cao Phong, huyện đã hình thành và duy trì hoạt động các tour, tuyến du lịch vùng lòng hồ sông Đà với các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Hòa Bình. Tuyến du lịch vùng cao với các sản phẩm du lịch tâm linh gắn với di tích lịch sử, văn hóa và du lịch cộng đồng, sinh thái với các điểm: khu di tích lịch sử văn hóa chùa Quèn Ang, Vườn hoa núi Cối, khu không gian văn hóa mo Mường Hòa Bình tại xã Hợp Phong; khu di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Cao Phong - Thạch Yên, chùa Khánh, đồi Vó Vua tại xã Thạch Yên. Tuyến du lịch vùng trung tâm huyện với các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh, sinh thái, du lịch sinh thái vườn cam, mía, gồm: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong; khu danh lam thắng cảnh quần thể hang động núi Đầu Rồng, đền Thượng Bồng Lai, đền Đông Sơn, du lịch sinh thái vườn cam, mía tại thị trấn Cao Phong; du lịch hồ Cạn Thượng, làng cổ dân tộc Mường xóm Cạn, xóm Mừng tại xã Hợp Phong…
Trong đó, việc phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương có nhiều chuyển biến, bước đầu hình thành các tour, tuyến du lịch để quảng bá thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch được huyện quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư được chú trọng triển khai có hiệu quả, bước đầu thu hút được nhiều dự án du lịch quy mô lớn đăng ký đầu tư.
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp chất lượng cao và các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện đã, đang góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, mà còn như một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đặc thù của mỗi địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu An