Chương trình có sự tham dự của Vụ trưởng Vụ lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương; Trưởng khoa Du lịch học (Đại học KHXH&NV- ĐHQGHN) Phạm Hồng Long; Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy; Lãnh đạo huyện Bình Liêu và một số doanh nghiệp lữ hành inbound Hà Nội; đại diện một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện.
Đánh giá thực trạng phát triển du lịch của địa phương thời gian qua, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho rằng, mặc dù đã có bước phát triển và đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của địa phương. Bà Hạnh thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Bình Liêu chủ yếu phát triển thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch. Điều này lý giải lượt khách du lịch đến Bình Liêu lớn về số lượng nhưng doanh thu từ du lịch lại khá thấp. Một số hạn chế được Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu chỉ ra như chưa thu hút được thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là cơ sở lưu trú cao cấp; tính liên kết liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù xúc tiến, quảng bá còn yếu, chưa có du khách nước ngoài đến Bình Liêu…
“Chính vì vậy, chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch huyện Bình Liêu với HanoiTourism nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch Bình Liêu, đưa Bình Liêu thật sự là một cực tăng trưởng du lịch của Quảng Ninh xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, bà Hạnh nói.
Tổng giám đốc HanoiTourism Nhữ Thị Ngần cho hay, đơn vị đã có sự tìm hiểu, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn huyện và đã đồng hành với Bình Liêu trong một số sự kiện với mục tiêu thúc đẩy du lịch phát triển. Các hoạt động được triển khai trên trên tinh thần thống nhất cao giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhằm khắc phục khó khăn còn tồn tại và phát huy tối đa lợi thế về phát triển du lịch bền vững tại địa phương.
Kỳ vọng vào những cơ hội mở ra cho cả phía địa phương và doanh nghiệp từ chương trình hợp tác, các đại biểu tham dự hội thảo cũng chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp đối với sự phát triển của du lịch Bình Liêu, cũng như lan tỏa hình ảnh Bình Liêu nguyên sơ, thân thiện đến với du khách trong và ngoài nước.
Là người chủ trì đề án phát triển du lịch Bình Liêu, PGS.TS Phạm Hồng Long bày tỏ những trăn trở của mình đối với việc làm thế nào để tạo ra bước đột phá về du lịch của huyện. Sản phẩm du lịch là câu chuyện không cần bàn thêm bởi tiềm năng của địa phương quá lớn, từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa và nổi bật nhất là thế mạnh về dược liệu (sở, quế, hồi…) nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa…, nhưng điểm yếu là dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở góc độ chuyên gia về du lịch, ông Long cho rằng cái “bắt tay” giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ mở ra cơ hội cho cả 2 bên, nhất là khâu đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức du lịch cho người dân, cách thức làm du lịch cộng đồng cũng như tiếp cận với mạng xã hội để người dân tự quảng bá du lịch. Về khả năng kết nối thị trường mục tiêu, ông Long lưu ý các bên cần nghiên cứu để thu hút khách khu vực phía Nam vào thời điểm mùa đông, mùa được xem là thấp điểm của du lịch nội địa.
Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Phạm Hồng Long về tiềm năng du lịch mà địa phương đang sở hữu, ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc công ty lữ hành quốc tế Travel Authentic Asia (chuyên inbound) chia sẻ, có những chuyến khảo sát do Travel Authentic Asia tiến hành tại Bình Liêu kéo dài tới… 10 ngày, vào sâu trong rừng và những khu vực rất ít người biết đến. “Đó là những nơi đặc biệt thích hợp với du khách nước ngoài và hoàn toàn có thể khai thác, phát triển được”, ông Sơn nhận định đồng thời nhấn mạnh đến việc nắm bắt “cơ hội phát triển” của địa phương.
“Nếu Bình Liêu không chú ý thì chỉ trong vòng vài năm nữa là mất các cơ hội phát triển du lịch. Hiện tại mới chỉ chú trọng đến nguồn khách nội địa mà chưa có tính toán đến thu hút khách quốc tế. Cần phải có quy hoạch cụ thể cho du lịch, chẳng hạn dành bao nhiêu diện tích để xây dựng khu cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, lưu trú mang bản sắc văn hóa các dân tộc Bình Liêu, gắn với những quy chuẩn để tránh tình trạng ‘lôm côm’ về kiến trúc, xây dựng”, ông Sơn nêu ý kiến. “Bình Liêu như một bức tranh, nếu không cẩn trọng để nước vào làm nhòe đi là hỏng”, ông Sơn nói.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, thời điểm trước dịch Covid, trung bình một năm Quảng Ninh đón khoảng 10 triệu lượt khách, nếu chỉ thu hút được một phần trong số này đến Bình Liêu khám phá, trải nghiệm, thì tình hình du lịch Bình Liêu sẽ “rất khác”. “Mấu chốt” vẫn là câu chuyện sản phẩm và công tác xúc tiến, quảng bá. “Chất lượng bắt đầu từ nguồn nhân lực, do vậy sự hợp tác giữa huyện Bình Liêu và HanoiTourism- đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo – sẽ từng bước giải quyết vấn đề”, ông Thủy khẳng định.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) Nguyễn Quý Phương cho biết, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch thế giới cũng như Việt Nam là “du lịch chậm, du lịch xanh”, hướng tới sức khỏe, gắn với thiên nhiên, môi trường.
“Bình Liêu hội tụ các yếu tố để phát triển du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, điều kiện địa hình của huyện còn rất thích hợp với việc tổ chức các giải chạy Marathon, đây cũng là một trong những cách đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến của địa phương”, ông Phương nhấn mạnh …
UBND huyện Bình Liêu và HanoiTourism đã thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch, đặc biệt là về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng phát triển sản phẩm mới, quảng bá hình ảnh du lịch của Bình Liêu đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Lễ ký kết hợp tác, ông Phùng Hữu Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT HanoiTourism nhấn mạnh, “chương trình ký kết thể hiện vai trò, trách nhiệm và cam kết đồng hành của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội đối với sự phát triển du lịch bền vững của huyện Bình Liêu”.
Chương trình hợp tác giữa huyện Bình Liêu với HanoiTourism là một bước ngoặt đánh dấu quyết tâm phát triển du lịch bền vững của địa phương, thể hiện sự tin cậy và trọng thị vai trò thiết thực của doanh nghiệp phát triển du lịch địa phương.
Chương trình hợp tác sẽ tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Bình Liêu chất lượng, thân thiện và an toàn. Đó là mục tiêu mà UBND huyện Bình Liêu và Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội hướng đến trong chương trình hợp tác.
|
Hùng Nguyễn