Từ sở thích uống trà, tôi bắt đầu tìm hiểu về văn hóa, về đạo trà Việt Nam. Thế nhưng, ở một đất nước sản xuất và xuất khẩu trà lớn thứ 5 thế giới như Việt Nam, nói về sản phẩm trà thật đa dạng… Gần đây, tôi thấy giới mộ trà chú ý nhiều đến những cây chè trên núi cao, gọi là chè shan tuyết cổ thụ bởi những yếu tố độc đáo như: tính nguyên bản (đầu dòng), chè mọc tự nhiên, sạch, an toàn, quý hiếm, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nội chất mạnh mẽ, hương vị đa dạng.
Như một nhân duyên, khi đang tìm hiểu về giống trà này, tôi may mắn được gặp gỡ và làm quen những người không quản ngại khó khăn băng rừng vượt núi lên những vùng cao trên khắp mọi miền tổ quốc để nghiên cứu, gìn giữ và sản xuất những dòng trà quý hiếm “made in Vietnam” - trà Vạn Shan.
Trong căn phòng nhỏ tĩnh lặng trên phố Đặng Tiến Đông, cầm trên tay chén trà sánh mịn, bắt mắt, nhấp một ngụm nhỏ, tôi được cô em gái nhẹ nhàng cho hay, shan tuyết cổ thụ là những cây chè mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800 - 2.800m quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp trà phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà shan tuyết một hương vị đặc biệt, khiến những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích. Tuy nhiên, khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm… cùng giống trà cổ thụ nhưng trên dải trà shan tuyết Việt Nam, trải từ Đông qua Tây Bắc, mỗi vùng thổ nhưỡng khác biệt, hương vị trà cũng thế mà có nhiều biến đổi. Trà từ phía Đông như Quản Bạ, Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì của Hà Giang thiên về vị ngọt hậu, chuyển qua cực Tây với Tủa Chùa của Điện Biên sẽ nồng nàn đắng chát, trục giữa có vùng trà cổ thụ ở Tà Xùa Sơn La, lại mang sự cân bằng hoàn hảo ở cả hương - vị trong nội chất.
Thưởng trà shan tuyết là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người dùng phải có sự tìm hiểu nhất định. Trà nào dùng vào thời gian nào cũng là một điều nên biết. Các dòng trà như Bạch trà Shan, Lục trà Shan, Hoàng trà Shan, Phổ Nhĩ Chín, Ô Long đỏ… mỗi loại sẽ có cách uống và công dụng khác nhau. Cô gái cho tôi biết thêm, chén trà tôi vừa uống là Hồng Shan - một loại trà lên men 80%, có thể sử dụng sau bữa ăn. Những lúc mệt mỏi, cần hồi phục sức khỏe hay vào lúc trời lạnh, bị lạnh thì uống một chén Hồng trà sẽ rất tốt. Còn Bạch trà - dòng trà được lên men 30%, là một loại trà trắng, nên uống vào buổi sáng. Khi chúng ta uống chén trà vào một sớm mai tĩnh lặng, tâm thế nhẹ nhàng sẽ cảm nhận được vị thuần khiết của Bạch trà. Còn trước bữa ăn thì nên uống Hoàng trà, giúp kích thích tiêu hóa. Đây là dòng trà lên men 50%...
Thế mới biết, trà Việt không còn như quan niệm cũ là nước phải xanh, vị đắng chát, khó uống, chỉ hợp với người trung niên - cao tuổi. Giờ đây, trà Việt rất đa dạng và hấp dẫn, quyến rũ cả hương - sắc - vị, toát lên khí chất của núi rừng, bản địa, tuyệt vời hơn nữa là theo thời gian chúng sẽ tự lên men, tự chuyển đổi, tạo ra những bất ngờ dành cho người thưởng thức.
Uyên Nhi
(Đặc san Travel+ số 2/2022)