Liên kết để khai thác đúng mức tiềm năng …
Bà Trần Kim Nhung, Phó Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại & Du lịch Tiền Giang cho rằng: một trong những thế mạnh của ĐBSCL là khả năng thu hút đối tượng du khách trong và ngoài nước thông qua các chương trình du lịch sinh thái, khám phá sự đa dạng văn hóa của địa phương với văn minh lúa nước của người Kinh, vùng đa dạng sinh học ở Đồng Tháp Mười, đời sống của người Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh, người Hoa ở các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, v người Chăm ở An Giang.
Trong tương lai, khi cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, sân bay Trà Nóc, cảng quốc tế Cái Cui đi vào hoạt động sẽ là điều kiện mở rộng giao lưu thông thoáng tạo đà cho du lịch ĐBSCL phát triển chiếm ưu thế trong tiểu vùng Mekong.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ & Du lịch Vòng tròn Việt đề xuất hình thức liên kết mới là thành lập công ty cổ phần du lịch quốc tế cho vùng ĐBSCL. Công ty này được điều hành bởi những người giỏi về chuyên môn lữ hành quốc tế, phát triển sản phẩm mới với chiến lược tiếp thị chuyên nghiệp để thu hút khách ở lại ĐBSCL nhiều hơn và lâu hơn.
Phát triển bền vững phải chú ý đến môi trường
Ông Lê Thanh Quý, Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Cần Thơ băn khoăn về thực trạng cầu đường xuống cấp, các tàu cao tốc vượt quá tốc độ trên sông nước và tình trạng xả rác bừa bãi trên sông rạch và các khu du lịch ở miền Tây Nam bộ đang là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết tâm và giải quyết tích cực.
GS.TS. ERNST SAGEMUELLER, Tổng Giám đốc Trường Du lịch châu Âu - Đông Dương – TP. Hồ Chí Minh cho rằng nếu vẻ đẹp tự nhiên của ĐBSCL phải nhường chỗ cho những khách sạn, tòa nhà chọc trời, những khu phức hợp hoành tráng, hệ thống cáp treo trên sông hay các casino… phát triển không tích cực, không bền vững giống như ở BaLi, Thái Lan, Mexico và nhiều nơi khác. Theo ông, ĐBSCL muốn phát triển du lịch tích cực và bền vững nhất thiết phải bảo vệ và gìn giữ môi trường xanh - sạch.
Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch
Theo bà Phan Thị Thuý Triển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại & Du lịch An Giang lo lắng vì thời gian qua hoạt động lữ hành còn thiếu và yếu một phần do nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trình độ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam ngoài ngoại ngữ chuyên ngành thì hầu như yếu về nhiều mặt. An Giang có Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cấp quốc gia, sản phẩm thổ cẩm của người Chăm, Đồng Tháp có sen Tháp Mười, hạc Tam Nông, Tiền Giang có nhà trăm cột, Trà Vinh, Sóc Trăng có chùa cổ Khmer…cần được quan tâm để phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo.
Ths. Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long 2008 khẳng định, nếu muốn vực dậy hoạt động du lịch, ĐBSCL cần một đề án phát triển du lịch cho cả vùng với cơ chế chính sách cụ thể do Trung ương phê duyệt để các tỉnh dựa vào đó xây dựng quy hoạch chi tiết với bước đi đúng hướng. Các doanh nghiệp trong khu vực cần liên kết chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, tạo cầu nối hỗ trợ nhau trong việc mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nguyễn Hà Phương