Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: phát triển hành lang kinh tế Đông Tây trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, liên kết phát triển du lịch hành lang kinh tế Đông Tây...; đồng thời, trao đổi những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên tuyến, từ đó, tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác mạnh hơn nữa giữa các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây
Hành lang kinh tế Đông Tây dài 1.500km đường bộ, kết nối biển Andaman và biển Đông đi 13 tỉnh thành của các nước: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa 4 nước; giảm chi phí vận chuyển và di chuyển hàng hóa, con người và giảm đói nghèo thông qua phát triển nông thôn và các khu vực biên giới. Trong 10 năm qua, các quốc gia nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tuy nhiên những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế không được phân bố chia đều cho 4 quốc gia gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho hành lang kinh tế Đông Tây trong việc đón nhận đầu tư, lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động; là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó các địa phương dọc hành lang kinh tế Đông Tây có cơ hội phát triển sánh kịp với các tỉnh, thành phố của các quốc gia phát triển trong ASEAN.
Tuy nhiên, các địa phương dọc tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đang phải đối mặt với nhiều thách thức: cơ sở hạ tầng phát triển không đều; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, phải cạnh tranh với các nước thành viên; hạ tầng phần mềm chưa bắt kịp sự phát triển của hạ tầng phần cứng, làm giảm nhịp phát triển của hành lang kinh tế Đông Tây so với các khu vực khác trong ASEAN.
Vì vậy, thời gian tới, các thành viên dọc hành lang kinh tế Đông Tây cần chú trọng chuyển đổi từ hành lang giao thông sang hành lang kinh tế; chú trọng mở rộng các tuyến đường của hành lang; kết nối sâu rộng nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của địa phương;, đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Hà Bắc- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng- cho biết, hợp tác của các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đạt được nhiều kết quả tích cực, không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại giao kinh tế, mà còn thể hiện ở nhiều hoạt động văn hóa, xúc tiến đầu tư, các chương trình giao thương, hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường giữa các nước…
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ việc phát triển tuyến hành lang này chưa đạt như mong đợi, còn nhiều bất cập, nhiều rào cản chưa thể giải quyết, như vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và logistics, hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hải quan cũng như giải quyết các vấn đề xã hội…
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Đà Nẵng và địa phương các nước trên hành lang kinh tế Đông Tây trong các năm qua đã có bước phát triển. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng qua các năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang các nước thuộc hành lang kinh tế Đông Tây năm 2016 ước đạt 32,3 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 27,6 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ các nước hành lang kinh tế Đông Tây vào Đà Nẵng năm 2016 ước đạt 32 triệu, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 18,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nhựa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm và cần câu cá…
|
PV