Theo đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm: du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi; voi đá bóng; voi chạy; voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi… UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện để tổ chức Động vật châu Á - Animals Asia tổ chức các hoạt động bảo tồn theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với tổ chức Động vật châu Á và các đơn vị, tổ chức có liên quan, hộ gia đình nuôi voi để xây dựng và hoàn thiện phương án mô hình du lịch thân thiện với voi, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Tổ chức Động vật châu Á có trách nhiệm vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các hộ dân mưu sinh nhờ nguồn thu từ du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.
Được biết, từ năm 2018 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã đàm phán và đưa 6 cá thể voi nhà được tận hưởng cuộc sống mới tự do và thoải mái trong Vườn quốc gia Yok Đôn. Voi tham gia vào dự án du lịch thân thiện được tận hưởng dinh dưỡng trọn vẹn, được nghỉ ngơi và được chăm sóc chu đáo, nhờ đó, phúc lợi cũng như sức khoẻ của chúng tiến bộ rõ rệt. Thoả thuận hợp tác này chính là căn cứ quan trọng để chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi đối với toàn bộ voi nhà trong tỉnh Đắk Lắk.
Tổ chức Động vật châu Á hợp tác bảo tồn voi cùng Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã giới thiệu và cử các chuyên gia chăm sóc voi quốc tế đến làm việc khám sức khỏe cho các cá thể voi cũng như đưa ra những tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, quản lý voi và cải thiện cơ sở hạ tầng. Từ tháng 7/2018, Tổ chức Động vật châu Á cũng đã tài trợ Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn với tổng trị giá 65.000USD trong thời gian 05 năm, nhằm chấm dứt hoạt động cưỡi voi tại Vườn quốc gia. Đây là mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam, và đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ khách du lịch và cộng đồng, đặc biệt các du khách quốc tế. Mô hình du lịch thân thiện với voi đã và đang thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời nhận được sự đồng tình của cộng đồng và những cá nhân quan tâm đến bảo vệ loài voi trên cả nước. Chương trình du lịch còn là một giải pháp bền vững khi vừa đảm bảo được sức khoẻ và sự tự do thoải mái cho voi, trong khi vẫn tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Khải Bình