Từ năm 2014, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh, ưu tiên 5 lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước, an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối; đặc biệt, mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý, tăng cường thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng đã được chọn tham gia Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) giai đoạn 1 và 2. Theo đó, Đà Nẵng mong muốn được hỗ trợ trong việc xây dựng một chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo riêng, trong đó có việc xây dựng trung tâm thiết kế dành cho khởi nghiệp và đào tạo các giảng viên về khởi nghiệp…
Giám đốc Quy hoạch đô thị (TP. Turku, Phần Lan) Tom Hintsanen cho biết: Hiện tại, để xây dựng thành phố thông minh thì nên hướng đến hệ thống giao thông công cộng. Do vậy, Đà Nẵng cần có các mảng cây xanh, thảm thực vật… và sử dụng năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời…
Bà Pipa Turvanen (Công viên Khoa học Turku, Phần Lan) cũng giới thiệu khái niệm về hệ thống dữ liệu tuần hoàn. Theo đó, mọi dữ liệu về giao thông, xây dựng, tiêu dùng, thời tiết, năng lượng… sẽ được thu thập, giải quyết nhằm sử dụng cho việc dự báo, ra quyết định. Đây được xem là giải pháp giúp Đà Nẵng triển khai 2 cấp độ cuối trong chương trình thành phố thông minh.
Trong thời gian tới, các công ty Phần Lan sẽ tiếp tục chia sẻ những giải pháp sáng tạo mà Đà Nẵng đang quan tâm, trong đó có việc xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu.
P.V