Hợp nhất Nghị định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Theo đó, trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài được thực hiện như sau:
Truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
Nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.
Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử sử dụng mã hồ sơ điện tử để kiểm tra kết quả giải quyết của Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử; trường hợp được cấp thị thực điện tử thì sử dụng mã hồ sơ điện tử để in thị thực điện tử theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cấp thị thực điện tử thí điểm cho công dân 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, trong quy định mới nhất, Việt Nam đã bổ sung các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Cụ thể, bổ sung 3 cửa khẩu đường bộ gồm: Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), cửa khẩu quốc tế Na Mèo (tỉnh Thanh Hóa); cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị).
2 cửa khẩu đường biển được bổ sung gồm: Cửa khẩu cảng Dương Đông (tỉnh Kiên Giang); cửa khẩu cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Sau khi bổ sung, Việt Nam có 16 cửa khẩu đường bộ và 9 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
TH