Cuộc họp cấp cao về AIDS năm nay của Đại hội đồng Liên hợp quốc là sự kiện toàn cầu, nhằm thảo luận và đề ra phương hướng cho hoạt động phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn tiếp theo. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc Joseph Deiss, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và những người sống chung với HIV.
Cùng với phiên họp toàn thể, trong khuôn khổ cuộc họp diễn ra nhiều cuộc tọa đàm và các sự kiện phong phú. Các quốc gia thành viên của LHQ sẽ thông qua một bản Tuyên bố mới khẳng định các cam kết hiện tại và các cam kết mới, góp phần tạo dựng ứng phó toàn cầu với AIDS trong tương lai. Tại cuộc họp đoàn Việt Nam dự kiến sẽ tham dự một phiên họp quan trọng, chứng kiến các sự kiện quan trọng và có một số cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cảm ơn các đối tác, các nhà tài trợ đã ủng hộ Việt Nam cũng như khẳng định cam kết của Việt Nam trong công cuộc chống AIDS, đồng thời nghiêm túc sẵn sàng học tập, áp dụng kinh nghiệm về phòng chống HIV/AIDS trên khắp thế giới, nhằm xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động, hoàn thành các mục tiêu tiếp cận, phổ cập và mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ.
Ông Eamonn Murphy - Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam, Chủ tọa Nhóm phối hợp của LHQ về HIV tại Việt Nam cho rằng: Trong 10 năm qua, việc mở rộng cứu trị cứu được hơn 6 triệu người sống với HIV khỏi tử vong và hàng triệu người không bị nhiễm HIV nhờ các hoạt động dự phòng mạnh mẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức, tăng cường sử dụng bao cao su, giảm hại và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, cứ mỗi người được đưa vào điều trị thì lại có hai người nhiễm HIV mới. Mục tiêu toàn cầu về phổ cập tiếp cận tới các dịch vụ HIV toàn diện được đặt ra 5 năm trước đây tại Cuộc họp cấp cao lần thứ hai về AIDS chưa đạt được. Thực tế này càng cho thấy sự cần thiết phải tập trung vào công tác dự phòng HIV.
Mai Hồng