Theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy, đối với việc mở cửa du lịch, an toàn là tiêu chí hàng đầu, an toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Về công tác chuẩn bị đón khách quốc tế thí điểm đến Phú Quốc, Phó Tổng cục trưởng TCDL thông tin, đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã hoàn thành 100% việc tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 (mũi 1) cho người dân, đang triển khai tiêm mũi 2. Cùng với đó, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực y tế, sẵn sàng các phương án dự phòng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra.
“Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện theo lộ trình, phải có đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo các cấp có thẩm quyền, từ đó mới có thể triển khai mở rộng ở các địa phương khác. Một số địa bàn trước đây thu hút đông khách du lịch quốc tế là Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… đã có đề xuất cho phép đón khách quốc tế, tuy nhiên cần phải có đánh giá thực tế, từ đó mới có các bước đi phù hợp”, ông Thủy nói.
Trả lời câu hỏi báo chí đặt ra về thu hút khách quốc tế từ thị trường nào đối với việc thí điểm, ông Thủy cho hay, hiện Bộ VHTTDL, TCDL đã và đang tiếp tục làm việc với các cơ quan ngoại giao để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, tiếp tục lan tỏa hình ảnh Du lịch Việt Nam tới các thị trường tiềm năng. “Thị trường mục tiêu là khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Úc…”, ông Thủy cho hay.
“Dự kiến là đón khách từ 20/11/2021, tuy nhiên doanh nghiệp cần phải có thời gian để triển khai nhiều hoạt động liên quan, đồng thời vẫn phải theo dõi diễn biến của dịch để điều chỉnh phù hợp”, Phó Tổng cục trưởng TCDL thông tin thêm.
Đối với việc triển khai hỗ trợ HDV mất việc làm, TCDL đã phối hợp với các địa phương tiếp cận với các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng TCDL, dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch ngưng trệ thời gian dài, từ đó nảy sinh 2 vấn đề là người lao động du lịch chuyển đổi nghề nghiệp và tạm thời nghỉ việc chờ du lịch hoạt động trở lại, do đó khi du lịch tái khởi động, nhân lực du lịch chắc chắn sẽ là một trở ngại.
Về ý kiến cần có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, ông Thủy cho biết, TCDL đã tham mưu đề xuất việc giảm 80% tiền ký quỹ đối với các doanh nghiệp lữ hành, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, tạo động lực để doanh nghiệp chung tay phục hồi du lịch.
Tại buổi họp báo, Chánh văn phòng Bộ VHTTDL Lê Đức Trung thông tin, từ tháng 4/2020 đến nay Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Số người nước ngoài đến Việt Nam trong các tháng qua không nhiều và với mục đích công vụ là chủ yếu. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 136.850 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm 2021, đã thẩm định 304 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành. Tính đến 20/9/2021, cả nước có 2.124 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 792 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.300 công ty TNHH và 05 doanh nghiệp tư nhân. Cả nước hiện có 28.446 HDV du lịch, trong đó 17.758 HDV quốc tế, 9.533 HDV nội địa, 1.155 HDV tại điểm.
Về quản lý cơ sở lưu trú du lịch: ngành đôn đốc các địa phương yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trên hệ thống tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn, thực hiện việc theo dõi và cập nhật danh sách cơ sở lưu trú du lịch được chọn làm nơi cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ban hành 09 văn bản khuyến cáo, đề nghị cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót đối với cơ sở lưu trú du lịch không đủ điều kiện.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực du lịch: Ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đồng thời, đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong lĩnh vực lưu trú. Trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và phối hợp với tỉnh Kiên Giang triển khai Kế hoạch. Xây dựng Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch: Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài trong tình hình mới; triển khai “Đề án tiếp nhận và phát triển website vietnam.travel và các mạng xã hội; phối hợp, tham gia với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trước khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát.
Công tác truyền thông và chuyển đổi số: Tăng cường công tác truyền thông về hình ảnh Du lịch Việt Nam trên nền tảng số của Tổng cục Du lịch; Triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các đơn vị: MobiFone, Viettel, Đài Truyền hình Việt Nam và một số địa phương (Thanh Hóa, Hà Giang) về chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh ngành Du lịch. Xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” (thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu y tế về bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19 để hiển thị lên bản đồ số trên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và tìm kiếm tọa độ cho hệ thống cơ sở dữ liệu trên bản đồ); xây dựng và chuẩn bị ra mắt Tổng đài du lịch Việt Nam 1039 và ứng dụng VTV Travel. Xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận số vắc xin (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách quốc tế trở lại.
|
Việt Hùng