Xem tranh dân gian Đông hồ, ta cảm thấy bừng lên những sắc xuân tươi rói, các mảng màu cứ như nhảy múa, từng nhân vật cứ thách thức thời gian với cuộc sống nửa hư, nửa thực. Là loại tranh khắc gỗ xưa với công nghệ thủ công đơn giản, song các nghệ nhân tài hoa đã thổi vào những bức tranh mộc mạc, nên thơ ấy những nét chân quê mà hóm hỉnh, để chúng trở thành những bức tranh đích thực mang tâm hồn Việt Nam, bản sắc Việt Nam, để dù ai đi xa thì trong tâm tưởng vẫn day dứt nỗi nhớ quê, cùng thức dậy thẩm mỹ mà nhà thơ Kinh Bắc nổi tiếng Hoàng Cầm đã từng viết:“Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...”
Phải chăng cả những màu sắc và chất liệu của thiên nhiên Việt Nam với những sỏi son, sò điệp, hoa hoè, gỗ vang và cả than lá tre... tất cả đã về đây hội tụ trên tờ giấy điệp. Màu và giấy thuần chất Việt Nam ấy thật ra có ở nhiều nơi, song có lẽ chỉ có nghệ nhân Đông Hồ mới biết khu xử để làm thành những chất liệu nghệ thuật tuyệt vời ấy. Bảng màu thân mật, đầm ấm, xếp đậm được hoà sắc qua những mảng bẹt có đường ranh rõ, cái tự nhiên vốn sẵn trở thành nghệ thuật quí hiếm. Tờ giấy dó lụa mịn màng, óng ả, vân mượt, sắc ngà, thớ dai thật đẹp đã được người nghệ nhân Đông Hồ quét lên một lớp điệp, hoặc còn lướt thêm tí nước vang đỏ hay hòe vàng để hóa thân thành chất liệu tạo hình với ánh sáng diệu huyền. Cái chất liệu thiên nhiên ấy qua bàn tay tài hoa và đầu óc sáng tạo của các nghệ nhân Đông Hồ bỗng thăng hoa thành tài sản nghệ thuật tạo hình quí giá của dân tộc.
Đề tài phản ánh đời sống sinh hoạt và thiên nhiên của người dân Việt Nam trong tranh Đông Hồ trước hết phải kể đến các bức tranh về các con vật gần gũi và thân thương với người nông dân như các bức: Tranh lợn, Tranh gà, Cá chép trông trăng... Bức “Tranh gà” là một trong những bức tranh tiêu biểu nhất, đặc biệt hấp dẫn trẻ em vì màu sắc tươi sáng, nét vẽ uyển chuyển và đề tài gần gũi với đời sống hàng ngày, đến nỗi nhà thơ trào phúng Tú Xương đã hóm hỉnh viết: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Om sòm bên vách bức tranh gà”...
Phản ánh sinh hoạt của làng quê Việt Nam có các bức tranh: Ngày mùa, Ngư tiều canh mục, Tiến sĩ vinh quy, Đám rước chuột... Trong Ngày mùa, ta thấy hiện lên sinh động nét sinh hoạt của người nông dân Việt Nam trong ngày mùa tấp nập thu hoạch lúa về làng.
Người Việt Nam ta không những cần cù lao động mà còn yêu chuộng học vấn. Tranh Tiến sĩ vinh quy và Vinh quy bái tổ biểu hiện khát vọng và ước mơ của mọi người, mọi nhà là có người đỗ đạt trong các kỳ thi sẽ làm rạng danh cho cha mẹ, họ hàng, làng nước. Ai đỗ tiến sĩ, trạng nguyên sẽ được dân làng trọng vọng, không chỉ gia đình, hàng họ mà cả làng, cả tổng tấp nập đi đón người ấy trở về cùng với cờ, biển vua ban.
Sẽ thiếu sót nếu không giới thiệu một số bức tranh hóm hỉnh, phản ánh tiếng cười dân gian Việt Nam, phải nói là táo bạo nhưng thật sinh động và đẹp, đó là các bức tranh như: Hứng dừa và Đánh ghen. Ở tranh Hứng dừa (có hai câu thơ phụ đề bằng chữ Nôm: “Khen ai khéo nặn nên dừa/ Đây trèo, đấy hứng cho vừa một đôi”), hình ảnh người thiếu nữ hớ hênh và thật thà, hồn nhiên đến nỗi vén váy lên “quá cao” để hứng hai trái dừa mà chàng trai thả xuống đã thực sự gây cười; để đến khi câu thơ kết thúc “vừa một đôi” thì mục đích gây cười càng rõ nét. Bức tranh “Đánh ghen” phản ánh nét sinh hoạt sống động đời sống tâm lý của người nông dân trong xã hội phong kiến Việt Nam.
Cho dù trong tranh Đông Hồ, ta không hề thấy bóng dáng cây đa – giếng nước – sân đình, một trong những nét đặc trưng chủ yếu của phong cảnh làng quê Việt Nam, song hồn quê trong tranh dân gian ấy vẫn hiện lên chân thật và rõ nét. Những cảnh vật, những nếp sinh hoạt và phong tục, tập quán cùng với tín ngưỡng, văn hóa dân gian qua tranh Đông Hồ đã đi vào đời sống và lòng người Việt Nam từ bao đời nay, hoà quyện giữa nghệ thuật với cuộc sống thanh bình nơi thôn dã.
Hữu Giới