Đi dọc làng chài ven biển, chúng tôi bắt gặp những chiếc thuyền đánh cá neo đậu sau những ngày ra khơi mệt mỏi nằm phơi mình trong cái nắng hanh vàng của khí trời buổi sáng, những người dân đang cần mẫn vá lưới, xẻ cá phơi khô và những nhà hàng, quán ăn thoang thoảng hương vị biển.
Người dân nơi đây, có vẻ như cũng rất biết làm du lịch, họ bày bán những sản phẩm thật sự cần thiết như nón rơm, dép lào, cần câu, nước giải khát, dịch vụ xe ôm, cho thuê thuyền ra hòn. Khi đã hoàn thành mọi thủ tục gửi xe và vào cổng, chúng tôi dạo bộ trên cây cầu bê tông dài hơn 400m vừa chụp hình vừa hít thở không khí trong lành và đón cái nắng gay gay tạt vào mặt theo từng cơn sóng biển. Từ xa xa, chúng tôi đã thấy hòn Đá Bạc nằm nhô lên trên mặt biển, cạnh đó là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ, kết hợp thành một cụm hòn thật ấn tượng. Thật dễ hiểu khi hòn Đá Bạc trở thành một điểm đến lý tưởng của người dân Cà Mau.
Khi đặt chân lên đến hòn Đá Bạc, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những khối đá granit bạc đầu được tạo nên qua quá trình địa chất từ 180 triệu năm thành những hình thù kỳ thú như: bàn tay thần 5 ngón, dấu chân tiên, hình tổ ong, hình con cá,...
Dấu vết của thiên nhiên còn lưu lại nơi đây là những cánh rừng rậm rạp, những bãi đá cheo leo, những dốc cao chơi vơi và những truyền thuyết huyền bí để giải thích cho những dấu vết ấy. Chúng tôi đi thăm Bảo tàng chuyên án CM12 (nơi đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong những năm 80, sau 30/4/1975), thắp hương cho Nam Hải Đại Tướng Quân (sắc phong của cá Ông) tại lăng Ông Nam Hải (nơi thờ một trong những bộ xương cá Ông lớn nhất Cà Mau) và nghe những câu chuyện, giai thoại cứu người gặp nạn của Ông gần đảo Hòn Chuối. Hoạt động câu cá, câu mực, câu cá nâu, đục hàu, bắt cua… cũng vô cùng thú vị. Mấy đứa trẻ nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi cách mắc mồi cho nhạy, cho chúng tôi đi nhờ xuồng để bắt hàu,… Ròng rã khoảng một tiếng đồng đồ, tuy cũng có chiến lợi phẩm, nhưng do không chuyên chúng tôi chỉ thu hoạch được một vài con mực, dăm ba con hàu,… phải mua thêm một mớ từ mấy chú bé rồi đem đến ở nhà hàng Hòn Đá Bạc gửi làm một vài món, thế là có một bữa trưa ngon lành.
Cảnh quan trên Hòn Đá Bạc nên thơ và quyến rũ lòng người. Du khách có thể trèo lên những vách đá chênh vênh, nằm trên những khối đá to nhất, dưới bóng mát của cây rừng và nghe tiếng chim rả rít, tiếng sóng biển vỗ rì rào. Tất cả hòa điệu thành một bản nhạc giao hưởng du dương của biển cả.Về chiều, hòn Đá Bạc như một bức tranh thủy mặc với những ráng chiều soi mình xuống lòng biển xanh tạo nên những vết đỏ sóng sánh trên mặt biển.Chúng tôi rời xa hòn Đá Bạc ra về khi đã hài lòng với những bức hình kỷ niệm nhưng vẫn còn luyến tiếc bởi khung cảnh buổi chiều còn quá cám dỗ. Nếu không phải bận bịu với công việc của ngày hôm sau, chúng tôi chắc chắn sẽ lưu lại để có dịp ngắm cảnh bình minh. Những người đến đây kể lại, cảnh bình minh nơi dây được vẽ lên từ những hình thù khác nhau của ánh rạng đông trên khung cảnh mờ mờ ảo ảo của hòn Đá Bạc.
Dương Kim Chuyển
(Tạp chí Du lịch)