|
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội thảo (Ảnh: Hữu Thắng) |
Theo báo cáo tại hội thảo, hơn 2 năm qua, công tác đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội được tăng cường thêm một bước, quy mô đào tạo tăng, ngành nghề đào tạo chuyển dịch tiến bộ, mạng lưới cơ sở đào tạo mở rộng, nâng dần năng lực và chất lượng đào tạo. Mỗi năm tuyển sinh du lịch 22.000 chỉ tiêu, tốt nghiệp khoảng 20.000. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Đội ngũ giảng viên, giáo viên, đào tạo viên phát triển. Chương trình, giáo trình dần hoàn chỉnh. Công tác đào tạo lại, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học chuyển hướng mạnh sang chiều sâu. Thời gian qua, đã triển khai hiệu quả 3 dự án ODA cho đào tạo nhân lực với gần 20 triệu EURO; tham gia mạng lưới đào tạo du lịch trong khu vực; tham gia xây dựng và ký tiêu chuẩn nghề du lịch ASEAN, cơ chế thừa nhận lẫn nhau, công nhận kỹ năng 37 nghề du lịch và liên quan. Nhiều cơ sở đào tạo du lịch liên kết với nhau, với doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ các trình độ, ngành nghề do đối tác đặt hàng, tham gia đóng góp xây dựng và đánh giá chương trình đào tạo, giúp cơ sở đào tạo tiếp cận tốt hơn nhu cầu xã hội.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các đại biểu tham gia hội thảo, quy mô đào tạo thời gian qua tuy tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tuyển sinh hàng năm ở các bậc đào tạo mới đáp ứng được hơn 65% nhu cầu đào tạo du lịch của xã hội (loại trừ nhu cầu ảo), đáp ứng khoảng 75% nhu cầu lao động trực tiếp của Ngành.
Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội đã đặt ra mục tiêu: đến năm 2015 phấn đấu có khoảng 620.000 lao động trực tiếp và 1.500.000 – 1.700.000 lao động gián tiếp; năm 2020 có ít nhất 870.000 lao động trực tiếp đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; trên 2.200.000 – 2.500.000 lao động gián tiếp.
PT