Sáng 14/6, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO và UN Habitat tại Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn, phát huy giá trị các đô thị di sản Hội An.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan ngoại giao, các chuyên gia trong nước và quốc tế…
Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả hướng đến bảo tồn vững chắc, phát huy giá trị lâu dài cho đô thị di sản Hội An.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hội An là một cảng thị truyền thống của Chămpa từ thời Trung đại. Đến thế kỷ 17, với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Hội An là thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ, là cơ sở trọng yếu về kinh tế và đối ngoại của các Chúa Nguyễn gần 3 thế kỷ.
Trong lòng đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của người Việt, vừa thể hiện sự giao lưu, hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, tiếp biến, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Nhật Bản.
Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Với giá trị tiêu biểu về văn hóa, ngày 4/12/1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới.
“Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế; sự đồng thuận của nhân dân và bằng nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An đã đạt được những thành quả tốt đẹp.
Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…”, ông Thu cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, tuy đã đạt được những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Hội An vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới xuất hiện. Đó là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, dẫn đến xói lở bờ biển hay tình trạng bồi cạn, ngập úng.
Ngoài ra, nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải bởi các dịch vụ của con người trong khu phố cổ; những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích…
“Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ và những nguy cơ thách thức trong thời gian qua đối với đô thị cổ Hội An cũng chính là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới.
Do đó, cần có sự hợp tác tham khảo, học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới; ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn các đô thị cổ; sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa loại hình đô thị di sản này”, ông Đinh Văn Thu nhấn mạnh và mong muốn được đón nhận những ý kiến quý báu của các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp Hội An - Quảng Nam có nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu này.
Nguồn: Toquoc.vn